Tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2 lần sau 6 năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông tin trên được đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo Tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019.
Theo đó, trẻ em càng lớn lên, việc tiếp xúc với thực phẩm không lành mạnh càng trở nên đáng báo động, chủ yếu vì trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị không phù hợp, thực phẩm siêu chế biến tràn ngập ở các TP và cả những vùng sâu, vùng xa, thức ăn nhanh và nước giải khát có chất tạo ngọt ngày càng tăng trên toàn cầu.
Từ năm 2000 đến năm 2016, tỷ lệ trẻ em thừa cân từ 5 đến 19 tuổi đã tăng gấp đôi: Từ 1 trong 10 trẻ thành 1 trong 5 trẻ. So với năm 1975, ngày nay số trẻ em gái ở nhóm tuổi này mắc bệnh béo phì tăng gấp 10 lần và số trẻ em trai tăng gấp 12 lần.
Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân-béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành. Tỷ lệ người thừa cân ở người trưởng thành tăng 12,0% năm 2010 lên 17,5% năm 2015, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Năm 2017, tỷ lệ thừa cân-béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi trong toàn quốc là 5,9%, tỷ lệ này tăng cao ở các TP lớn.
|
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tại Việt Nam chế độ dinh dưỡng một số năm gần đây được chú trọng hơn. Đã có nhiều chương trình, dự án; nhiều hoạt động giáo dục, phổ biến kiến thức, truyền thông nhằm bảo đảm cân đối dinh dưỡng, bổ sung vi chất phù hợp với từng lứa tuổi, nhóm đối tượng. Tình trạng thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ được cải thiện.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng các thể giảm: Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm so với năm 2005 (thể cân nặng/tuổi từ 25,2% xuống 13,5%; thể chiều cao/tuổi từ 29,6% xuống còn 24,1%; thể cận nặng/chiều cao giảm từ 6,9% xuống còn 6,4%.).
Thể lực, tầm vóc của người Việt Nam được cải thiện (từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm được 3 cm và hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ). Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Chế độ dinh dưỡng chưa bảo đảm yêu cầu cân đối thành phần dinh dưỡng, vi chất, năng lượng (hơn nửa dân số trưởng thành (57,2%) ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; Trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ từ 9,4 gam muối mỗi ngày, cao gấp 2 lần so với khuyến cáo của WHO; Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, thứ 10 ở châu Á và thứ 29 trên thế giới.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ thấp còi còn cao (24,6% trong khi khu vực Tây Thái Bình Dương là 12,2% và trung bình thế giới là 22,9%), đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực miền núi phía Bắc là 29,5% và Tây Nguyên là 33,4%...
Tình trạng thừa cân-béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam tuy có cải thiện song vẫn còn có khoảng cách khá xa với các nước tiên tiến trong khu vực; Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động và dinh dưỡng cho người bệnh mới chỉ đạt kết quả bước đầu...
Phó Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng-trước hết là dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, các ngành, các cấp, tổ chức xã hội cần tiếp tục tập trung thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng, đặc biệt là tại các khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao như Tây Bắc, Tây Nguyên.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về dinh dưỡng; sớm xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng, chế độ dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; Thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, can thiệp nhằm lan tỏa nhanh chóng việc thực hành dinh dưỡng hợp lý, nhất là đối với địa phương “vùng trũng” dinh dưỡng như các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, vùng đồng bào dân tộc.
Tăng cường phối hợp, lồng ghép các chương trình giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với trẻ em, học sinh trong trường học vì mục đích phát triển trẻ thơ toàn diện; tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh; tổ chức thực hiện tốt chương trình sữa học đường.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại