Thứ năm 02/01/2025 20:03

Tua ngược công-tơ-mét ô tô để bán cho khách hàng: có thể bị xử lý hình sự?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo luật sư, hành vi tua ngược công-tơ-mét xe ô tô để bán cho khách hàng có thể bị xử lý về tội "Lừa dối khách hàng"…
Tua ngược công-tơ-mét ô tô để bán cho khách hàng: có thể bị xử lý hình sự?
Chiếc xe của anh T bị tua ngược công-tơ-mét. Ảnh: NVCC

Thủ thuật trong kinh doanh

Mới đây trên diễn đàn mạng xã hội facebook đã chia sẻ câu chuyện của một người “nhỡ” mua phải một chiếc xe bị tua ngược công tơ mét. Cụ thể, anh V.Q.T (trú Hà Nội) phản ánh, có mua một chiếc xe thương hiệu Mercedes-Benz qua sử dụng tại một showroom có địa chỉ trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Thời điểm anh T mua xe là vào ngày 24/6/2024, với chỉ số công-tơ-mét của xe là 51.432 km.

Tuy nhiên sau đó sau gần 5 tháng, vào ngày 14/11/2024, khi đưa xe đi kiểm tra tại hãng đã phát hiện ra chiếc xe từng đi bảo dưỡng ở mốc 95.305 km vào tháng 2/2024. Như vậy tại thời điểm anh T giao dịch, chiếc xe đã bị tua ngược gần 50% chỉ số quãng đường đi được. Sau khi phát hiện chiếc xe của mình bị tua công-tơ-mét anh T đã rất bức xúc và cho rằng mình đã bị lừa dối.

Thực tế, câu chuyện như của vị khách hàng kể trên không hiếm. Ở Việt Nam, tua công-tơ-mét rất phổ biến, đặc biệt trong thị trường xe ô tô, kể cả xe máy cũ. Thao tác này có thể thực hiện dễ dàng nhờ vào sự phát triển của công nghệ và các thiết bị chuyên dụng. Chỉ với vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, người bán xe có thể tua công-tơ-mét một cách nhanh chóng, xóa sạch dấu vết sử dụng thật sự của xe. Hệ lụy là người mua không thể đánh giá đúng chất lượng xe, dẫn đến nhiều rủi ro khi sử dụng.

Có thể bị xử lý về tội “Lừa dối khách hàng

Về hành vi này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, hành vi tua ngược công-tơ-mét được hiểu là việc ngắt kết nối, khôi phục về ban đầu hoặc chỉnh sửa công-tơ-mét với ý định thay đổi số km được hiển thị trên đồng hồ. Đây là chiêu trò được nhiều đối tượng sử dụng khi bán xe cũ cho khách hàng khiến khách hàng thường phải trả số tiền lớn hơn giá trị thực tế của phương tiện.

Bên cạnh đó, hành vi này còn có thể gây nguy hiểm đến an toàn sức khỏe, tính mạng của khách hàng vì các vấn đề lỗi cơ học nhiều khả năng bị bỏ qua khi thông tin bảo dưỡng bị sai lệch. “Đối với hành vi này, nhiều nước trên thế giới có chế tài xử phạt rất nặng, thậm chí là ngồi tù. Tuy nhiên tại Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có chế tài cụ thể áp dụng đối với hành vi này” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết.

Bởi chưa có chế tài cụ thể, nên hành vi này chỉ có thể tham chiếu đến hành vi gian dối được quy định là một trong những hành vi bị cấm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Cụ thể, theo quy định tại Điều 61, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định mức xử phạt đối với hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ có 20 triệu đồng.

Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Lừa dối khách hàng”. Theo đó, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm trong trường hợp hành vi lừa dối khách hàng là hành vi có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác với mục đích lừa dối khách hàng bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, và có tổ chức có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết, trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, lần đầu tiên có những điều khoản cấm hành vi tua công-tơ-mét. Cụ thể, luật quy định, cấm cải tạo trái phép; cố ý can thiệp làm sai lệch chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô; cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Nghiêm cấm việc cố ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe, động cơ của xe đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định; thuê, mượn phụ tùng xe cơ giới chỉ để thực hiện việc kiểm định…

Các loại xe phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường Các loại xe phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường
Kinh phí thực hiện công tác xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong Kinh phí thực hiện công tác xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động