Chủ nhật 01/09/2024 10:19

Tự ý dùng thuốc điều trị đau khớp, người đàn ông mắc hội chứng DRESS hiếm gặp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một trường hợp gần đây tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã cho thấy rõ mối nguy hiểm này của việc tự ý mua và sử dụng thuốc tại nhà. Mặc dù việc này có vẻ đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, nhưng thực tế lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.
Tự ý dùng thuốc điều trị đau khớp, người đàn ông mắc hội chứng DRESS hiếm gặp
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Q. Ảnh: BVCC

Theo đó, bệnh nhân N.Đ.Q (nam, 58 tuổi) đã nhập viện với các triệu chứng nổi mẩn khắp người, ngứa, phù hai chi dưới và căng tức bụng kéo dài một tháng. Theo chia sẻ của bệnh nhân, khoảng một tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân đã tự mua thuốc về nhà để điều trị đau khớp. Sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mẩn ngứa khắp người. Mặc dù đã điều trị tại một phòng khám tư nhân trong suốt một tháng, tình trạng không những không thuyên giảm mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi nhập viện, bệnh nhân Q được ghi nhận có nhiều tổn thương trên da, bao gồm sẩn đỏ, tổn thương dạng bia bắn, mụn nước, bọng nước vàng và mảng đỏ vùng bụng. Ngoài ra, còn có hiện tượng bong tróc da ở tay, chân và thân mình, kèm theo ngứa dữ dội. Bụng cổ chướng mức độ vừa, tức bụng và phù hai chi dưới. Các xét nghiệm cho thấy dấu hiệu thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan, rối loạn đông máu, và các chỉ số gan bất thường...

Sau khi hội chẩn với chuyên khoa Da liễu, bệnh nhân được chẩn đoán mắc Hội chứng Dress nghi do thuốc, kèm theo viêm phổi, xơ gan child B, tràn dịch đa màng và thiếu máu thiếu sắt. Bệnh nhân được điều trị tích cực theo phác đồ bao gồm kháng sinh, bổ gan, chọc tháo dịch màng bụng, lợi tiểu, chống viêm, kháng histamin, thuốc bôi tại chỗ và bổ sung sắt.

Sau 10 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện với đơn thuốc và lịch tái khám.

BSNT Trần Văn Sơn - khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ giải thích: hội chứng DRESS là một phản ứng quá mẫn loại 4, một phản ứng nghiêm trọng với một số loại thuốc. Đây là một loại phản ứng dị ứng đặc trưng bởi tình trạng tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân, có thể gây hại cho cả người lớn lẫn trẻ em với tỷ lệ tử vong lên đến 10%. Hội chứng này thường xuất hiện trong vòng 2-6 tuần sau khi tiếp xúc với thuốc lần đầu tiên, gây ra các triệu chứng đặc trưng nhưng có thể thay đổi, ảnh hưởng đến da và nhiều cơ quan khác.

Trường hợp của bệnh nhân Q là một lời cảnh báo mạnh mẽ về những nguy hiểm tiềm ẩn của việc tự ý sử dụng thuốc. Bác sĩ Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần để tầm soát sức khỏe. Đặc biệt, khi có vấn đề về sức khỏe, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám bệnh và kê đơn điều trị phù hợp.

Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động