Từ vụ việc chó Pitbull cắn chết người: Chủ nuôi phải chịu trách nhiệm hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChế tài đã có nhưng…
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế của địa phương, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 15 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố và trên 140.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại.
Trên động vật, qua công tác giám sát chủ động, đã phát hiện 33 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại tại sáu tỉnh. Trong khi đó, công tác quản lý đàn chó tại một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa tốt, người nuôi chó không chấp hành việc nuôi nhốt, chó thả rông cắn người tiếp tục xuất hiện, gây bức xúc cho cộng đồng.
Con chó Pibull đã bị tiêu diệt sau khi cắn chết người. |
Việc tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ rất thấp, số lượng chó, mèo được tiêm phòng chủ yếu theo kế hoạch hằng năm của địa phương, thấp hơn thực tế rất nhiều so với tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng của địa phương (nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vaccine đạt dưới 30%). Nhiều địa phương chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trước thực trạng lỏng lẻo trong công tác quản lý chó mèo vật nuôi hiện nay, ngày 18-5-2021, Bộ trưởng NN-PTNT đã có chỉ thị đề nghị các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật.
Về chế tài xử phạt với những trường hợp vật nuôi tấn công con người, ông Nguyễn Văn Long cho biết các quy định về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi đã được quy định trong Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Theo Nghị định số 04, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng là 1.000.000 - 2.000.000 đồng (trong khi Nghị định 90 quy định phạt 600.000 - 800.000 đồng).
Ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đàn vật nuôi thì chính chủ nuôi cũng phải thực hiện nghiêm túc để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người khác.
Chủ nuôi có thể bị truy cứu trách hình sự?
Nhìn nhận vụ việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quang Xá (Cty luật XTVN - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc chủ nuôi của 2 con chó Pitbull khi đưa chó ra nơi công cộng nhưng không đeo rọ mõm cho chó đã vi phạm về quản lý chó, mèo để phòng bệnh dại qui định của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh, động vật trên cạn.
Hành vi của chủ nuôi dẫn đến việc 2 con chó cắn chết người, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người” theo Điều 128 BLHS năm 2015 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ một đến 5 năm tù.
Bên cạnh đó, chủ nuôi chó còn phải chịu trách nhiệm dân sự theo Khoản 1 Điều 603 BLDS năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, cụ thể:
“Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, luật sư Phạm Quang Xá phân tích.
Mức bồi thường thiệt hại được qui định tại Điều 591 BLDS năm 2015, bao gồm bồi thường vật chất (chi phí hợp lý cho việc cứu chữa của người bị thiệt hại, chi phí hợp lý cho việc mai táng người chết, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, chi phí khác…) và bồi thường thêm khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, mức bồi thường do các bên thỏa thuận và không quá 100 lần mức lương cơ sở do nhà nước qui định.
Theo chuyên gia pháp lý này, nếu con chó Pitbull được cơ quan nhà nước cảnh báo, có giấy tờ chứng minh việc cảnh báo (đó là chó dữ, không được thả rông”...) mà chủ nuôi vẫn để chó đi ra ngoài, không có sự bảo hộ nào, để chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu truy cứu hình sự tội “Vô ý làm chết người”.
“Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được”, luật sư Phạm Quang Xá cho biết.
Trước đó, một vụ việc thương tâm xảy ra tại quán cà phê gần khu công nghiệp Hòa Bình (H.Thủ Thừa, Long An) khi con chó Pitbull tấn công, cắn một thanh niên tử vong gây xôn xao dư luận. Theo đó, vào khoảng 23g30 đêm 20-5. Thời điểm này anh H.T.H (37 tuổi, ngụ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, H.Tân Trụ, Long An) dẫn con chó Pitbull nặng hơn 60kg nuôi trong nhà, đi đến ấp 4, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa (gần KCN Hòa Bình) uống cà phê.
Tại đây, một thanh niên là bạn của anh H. có kéo ghế đến ngồi nói chuyện cùng. Quá trình nói chuyện, người này có quơ tay, quơ chân thì bất ngờ con chó pitbull nhảy đến tấn công, quật ngã người này xuống nền rồi cắn nhiều vết trên cơ thể.
Sự việc xảy ra quá bất ngờ, anh H. đã cố gắng tiến đến ngăn cản nhưng cũng bị con chó quật ngã và cắn nhiều vết trên đầu, vai, tay khiến anh bị trọng thương. Về phía nam thanh niên, do bị cắn nhiều vết nên vết thương quá nặng, máu chảy rất nhiều và tử vong tại chỗ. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các nạn nhân được đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng nam thanh niên do mất máu nên đã tử vong trước khi đến bệnh viện.
Chó Pibull được biết đến là giống chó với sức mạnh vượt trội. Loài chó này sở hữu thân hình săn chắc, cơ bắp cuồn cuộn, đôi mắt nhạy bén và hàm răng sắc nhọn. Mặc dù giống chó này đã được thuần hóa, nuôi dưỡng như thú cưng trong các hộ gia đình nhưng bản năng chúng vẫn là loại động vật tiềm ẩn những mỗi nguy hiểm đến sự an toàn của con người. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại