Thứ bảy 23/11/2024 03:17

Từ năm 2015 đến nay, tinh giản biên chế được 50.547 người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 27-12, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020…

Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước Bộ Nội vụ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cần tập trung thực hiện.

Các văn bản, đề án luôn bảo đảm tiến độ và chất lượng. Việc đẩy mạnh công tác phân cấp, ủy quyền cho các Bộ, ngành và địa phương bước đầu đạt được kết quả tích cực, thúc đẩy tính độc lập, chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị. Chính sách tinh giản biên chế bước đầu góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm nguồn chi trả ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Công tác cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ rệt; Bộ phận một cửa, một cửa liên thông hoạt động hiệu quả, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện. Việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng cho biết, công tác xây dựng thể chế, chính sách còn chậm; chất lượng chưa cao. Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương thực hiện thí điểm chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất. Cơ cấu lãnh đạo cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện ở một số địa phương còn chưa hợp lý, tổ chức bộ máy chưa tinh gọn, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn vướng mắc bất cập chưa được hướng dẫn cụ thể, kịp thời; giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn khó khăn, chưa có chính sách quy định cụ thể dẫn tới khó triển khai thực hiện trong thực tiễn…

Công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số Bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân. Chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ, công chức chưa cao, các biện pháp giải quyết chưa đạt yêu cầu; một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đáng quan tâm, vẫn còn có những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu; thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa quyết liệt, có những trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản nhưng vẫn đưa vào diện tinh giản biên chế. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền.

“Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ một số nơi còn nể nang, chưa nghiêm túc; ý thức trách nhiệm và kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết.

Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước của Bộ, ngành, địa phương, biên chế công chức của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, biên chế của các Hội có tính chất đặc thù và biên chế công chức dự phòng năm 2020 là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện được giao năm 2015.

Năm 2019, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giảm so với năm 2015 (khối Chính phủ quản lý) tại 63/63 địa phương giảm 4,26%, tại 20/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ giảm 11,85%. Từ năm 2015 đến ngày 20-12-2019, đã thực hiện tinh giản biên chế 50.547 người.

Đến ngày 25-12-2019, Bộ Nội vụ nhận được hồ sơ đề án của 42/45 địa phương, đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề án của 40 địa phương; đã trình Chính phủ thống nhất hồ sơ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 40 địa phương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 21 địa phương; dự kiến sau khi sắp xếp giảm 6/713 ĐVHC cấp huyện và 560/11.160 ĐVHC cấp xã.

TP Hà Nội tiết kiệm 201,5 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính

Phát biểu tham luận tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Năm 2019, TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện chủ đề công tác“Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” với mục tiêu xây dựng chính quyền TP theo hướng chính quyền điện tử, lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ TP đến cơ sở.

TP Hà Nội đã xây dựng, trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành toàn bộ việc xây dựng quy chế làm việc, quy trình nội bộ giải quyết công việc, giải quyết TTHC tại từng cơ quan, đơn vị. Trong giai đoạn 2016-2019, TP thực hiện đơn giản hóa đối với 261 TTHC, tiết kiệm 201,5 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, trước hạn toàn TP đạt trên 98,81%.

Cũng trong giai đoạn 2016-2020, TP đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán trung ương giao và trong điều hành ngân sách là 13.031 tỷ đồng.

TP đã áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công tại các đơn vị sự nghiệp, DN được giao cung ứng dịch vụ công như nước sạch, trợ cấp thất nghiệp, dịch vụ việc làm, tang lễ, y tế, giáo dục, xây dựng, quy hoạch,…

Đồng thời, TP đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập toàn TP theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, đảm bảo ổn định trong quản lý, điều hành; hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP; đến nay, đã thực hiện công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá theo vị trí việc làm, bước đầu mang lại hiệu quả.

TP đã tích cực triển khai đưa vào vận hành chính thức Hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp đến 22 Sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.448/1.818 thủ tục, đạt 81%.

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động