Tư duy mới để đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTư duy phát triển cần chuyển từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm |
Cần thay đổi tư duy
Tại buổi Đối thoại chính sách cấp cao về Chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, giảm phát thải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Minh Hoan cho biết: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ ban hành ngày 1-10-2021 cũng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh, xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo "Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh 3 trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” phù hợp với các định hướng của “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” vừa được Chính phủ ban hành.
Tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm; từ tư duy tận dụng, khai thác sang bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững; từ tư tưởng tự cung tự cấp sang tư tưởng hội nhập, hòa nhập với dòng chảy của chuỗi giá trị và các xu thế phát triển toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để làm được những điều này, cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. “Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để chuyển mình thay đổi, ngành Nông nghiệp không thể tự đứng một mình, làm một mình mà cần có sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Biến đổi khí hậu là một thách thức
Bà Carolyn Turk, GĐ Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải Metan 30% tính đến năm 2030… và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam.
Ngoài thách thức về biến đổi khí hậu, chúng ta còn đang đối mặt với những thách thức nội tại như giảm năng suất trong ngành, áp lực gia tăng sản lượng, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. WB tin rằng Việt Nam rất cần duy trì vị thế đáng mong muốn là một trong những nước sản xuất nông nghiệp mạnh trên thế giới. Việc sản xuất sản phẩm, tương lai nông nghiệp Việt Nam sẽ dựa vào tri thức nhiều hơn trong khi tập quán thâm dụng tài nguyên và dấu chân carbon cần phải giảm thiểu.
GĐ Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu (WB), ông Martien Van Nieuwkoop cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục duy trì trong chương trình nghị sự hết sức tham vọng này để giảm phát thải khí nhà kính và giảm lượng khí carbon tương đương trong nông nghiệp. Từ đó, xây dựng một thị trường đảm bảo khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, đem lại giá trị thiết thực, vượt qua thách thức, chớp lấy cơ hội, hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu sẽ phải thực hiện những chuyển dịch mang tính căn bản.
Về các chiến lược, ông Martien Van Nieuwkoop nhấn mạnh, Việt Nam cần thay đổi chi tiêu công trong nông nghiệp, có những cơ chế khuyến khích phù hợp, đánh giá lại về đầu tư công trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu sở hữu đất để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ manh mún, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp, lý giải tại sao giá trị gia tăng thấp. Theo đó, để giải quyết vấn đề này cần có quan hệ đối tác công tư, đưa ra quyết định đầu tư hợp lý cho nông nghiệp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại