Thứ hai 06/05/2024 07:36

Tự chủ ĐH cần "chân phanh" giải trình, minh bạch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nếu như tự chủ là ‘chân ga’ để các ĐH phát triển thì trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin chính là ‘chân phanh’ để kiểm soát tốc độ, giám sát chất lượng để lộ trình tự chủ ĐH đúng hướng.
ĐH Bách khoa Hà Nội được thí điểm tự chủ toàn diện nhưng gắn với trách nhiệm giải trình, minh bạch toàn bộ thông tin. Ảnh minh họa

Tự chủ gắn với cơ chế giải trình

Mới đây, ngày 6/10 Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ĐH Bách khoa Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình tự chủ toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, chính sách học bổng, học phí… Mọi vướng mắc về cơ chế sẽ được gỡ bỏ tối đa.

Tuy nhiên, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh mọi hoạt động tự chủ của ĐH Bách khoa Hà Nội phải gắn liền với tự chịu trách nhiệm. Và một trong những trách nhiệm đó là trách nhiệm giải trình, hay còn gọi là minh bạch thông tin. Bởi lẽ, nếu những đổi mới trong học thuật, quản lý, tài chính theo hướng tự chủ đó không có sự giám sát của các tổ chức, cá nhân, không có gì đảm bảo những đổi mới ấy là hợp lý, đúng hướng. Chỉ một lựa chọn sai về đường hướng trước tiên sẽ làm ảnh huởng tới chất lượng đào tạo, gây tổn thất về tài chính, cơ hội của người học, nhà đầu tư và của cả xã hội.

Theo một nhà nghiên cứu, giáo dục ĐH là dịch vụ đặc biệt, trong đó người bán (nhà trường) có nhiều lợi thế thông tin hơn người mua (sinh viên) nên tình trạng người mua dễ chọn phải “sản phẩm dởm” do bị người bán cung cấp sai thông tin là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi trường ĐH được trao quyền tự chủ, điều đầu tiên đó là số lượng sinh viên (thông qua học phí) sẽ quyết định sự sống còn của trường (thay vì dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cung cấp như trước). Để bán được nhiều hàng (tuyển được đủ chỉ tiêu) trường chắc chắn sẽ đưa ra những thông tin số liệu đẹp, hấp dẫn. Và lúc này, sự cần thiết của cơ chế giải trình là không thể chối cãi.

Cơ chế trách nhiệm giải trình giúp minh bạch thông tin và người mua (sinh viên) có được thông tin đầy đủ và tin cậy khi chọn học.

Một trong những cách thức minh bạch thông tin hay được sử dụng nhất đó là hàng năm các trường phải công bố công khai các chỉ số hoạt động của nhà trường như tỷ lệ giảng viên/sinh viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, chương trình, giáo trình, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn và có việc làm sau tốt nghiệp, thu nhập sinh viên sau tốt nghiệp, số lượng bài báo khoa học do giảng viên công bố...

Trên cơ sở những thông tin này, những người quan tâm sẽ tìm hiểu và lựa chọn những trường có tiêu chí phù hợp nhất với năng lực và nguyện vọng của bản thân. Đây cũng là cơ sở để họ so sánh giữa các trường ĐH, từ đó tin tưởng yên tâm đưa ra lựa chọn ngành học cho nghề nghiệp tương lai.

Về cơ bản, đây chính là một phương thức cạnh tranh rất lành mạnh và sòng phẳng giữa các cơ sở đào tạo.Lúc này, chính người học sẽ “tuyển” các trường chứ không phải các trường là chủ thể đưa ra lựa chọn như trước. Sự chủ động của người học, sẽ bắt đầu ngay từ khi đưa ra quyết định chứ không phụ thuộc vào yếu tố “hên xui” do mập mờ thông tin như trước. Và trước những con số, mọi lời quảng cáo đều vô nghĩa.

Giải trình gắn với giám sát

Trong khoảng 1 năm nay, nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam (S4VN), gồm, ba nhà nghiên cứu Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) là Huỳnh Hữu Hiền, Phạm Hiệp, Trần Danh Nhân đã chủ động tiến hành thống kê thông tin trắc lượng khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và công bố 15 cơ sở giáo dục ĐH có thành tích tốt nhất, đồng thời cung cấp miễn phí những thông tin này cho công chúng qua trang web www.scientometrics4vn.com.

Các chỉ số chính về trắc lượng khoa học được nhóm S4VN thống kê và công bố gồm: tổng số bài báo ISI, tổng số trích dẫn, chỉ số H đối với từng phân ngành (theo phân loại của Web of Science, Thomson Reuters), các chỉ số phản ánh tác động khoa học và năng suất nghiên cứu như tổng số lượt trích dẫn (không kể tự trích dẫn)...
Để đảm bảo uy tín cho những thông tin mà các trường minh bạch, các trường ĐH phải công bố thường xuyên, đều đặn và phải có sự giám sát, xác minh tính chính xác của thông tin công khai.

Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế thực hiện công khai với các cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân với yêu cầu phải công khai 3 nội dung trên website của trường gồm: Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, thu chi tài chính. Song do các chỉ số minh bạch thông tin không được thay đổi, cải tiến liên tục để phù hợp tình hình thực tế và theo chuẩn quốc tế, Bộ GD&ĐT không có biện pháp giám sát tính tin cậy của các thông tin, không tổng hợp số liệu của tất cả các trường để đưa ra một bức tranh đối sánh toàn cảnh nên quy chế này đã không phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Do đó, việc giải trình là cần thiết nhưng sẽ không mang lại hiệu quả nếu thiếu sự giám sát từ xã hội, cộng đồng. Vậy những người giám sát là ai? Ông Hiệp cho rằng, trước hết vẫn là cơ quan chủ quản nhà nước: Bộ GD&ĐT thông qua các Trung tâm Kiểm định chất lượng đại học, các cơ sở kiểm định độc lập của cá nhân (trong và ngoài nước), sự giám sát của các nhà khoa học, của người học, cơ quan tuyển dụng và truyền thông báo chí. Trong đó, các tổ chức kiểm định độc lập sẽ đóng vai trò chính trong việc giám sát, xác minh tính chính xác của số liệu bằng các thuật toán, công nghệ thông tin và phản biện.

Nếu trường ĐH cung cấp thông tin sai (chẳng hạn gửi danh sách không đúng) và bị phát hiện thì kết quả công bố sẽ bị huỷ. Còn cơ quan kiểm định có trách nhiệm lấy đủ số khảo sát đủ để đại diện cho SV toàn trường theo tỷ lệ nói chung. Nếu nhà trường không đồng ý với phản biện của cơ quan kiểm định độc lập thì hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan này chứng minh hoặc tự cung cấp thêm thông tin để xác thực sự trung thực của mình. Đây chính là cơ chế giám sát chéo.

Người học sẽ tiếp cận được mọi thông tin cần thiết khi chọn trường và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Nhờ đó lộ trình tự chủ của trường ĐH sẽ đi đúng đường, làm yên tâm người sử dụng dịch vụ giáo dục trong bối cảnh các trường sẽ được trao quá nhiều quyền so với trước đó.

Và mọi hoạt động tự chủ của trường khi đó sẽ phải nhằm vào mục tiêu duy nhất: nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng cơ chế tài chính công bằng, hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng giáo dục ĐH nói riêng.

Nguyệt Hà / Chinhphu.vn

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động