Thứ ba 26/11/2024 03:55

Tự chủ ĐH: Bao giờ cho hết vừa làm vừa “lo”?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đến bây giờ, khi cả nước có 23 cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ, nhiều cơ sở giáo dục ĐH khác vẫn đang hiểu nhầm tự chủ ĐH là tự lo kinh phí, quan điểm về tự chủ vẫn chưa thống nhất.

Sắp tới, Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ đưa ra trình Quốc hội để xem xét thông qua, trong đó, những vấn đề về tự chủ đang được các chuyên gia bàn tới rất kỹ. Làm sao để hiểu đúng tự chủ, không khiến các trường vừa làm vừa “lo” để mạnh dạn tự chủ ?

Nghĩ đến kinh phí đã…không dám tự chủ

Phát biểu tại Diễn đàn Khoa học “Tự chủ trong giáo dục ĐH - những vấn đề đặt ra”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam cho rằng, ĐH muốn phát triển phải được tự chủ.

Tuy nhiên, các quy định trong Luật GDĐH được đề cập không thể hiện rõ quyền tự chủ, tự quyết của các cơ sở giáo dục ĐH mà lại được bao trùm lên bởi quyền của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành có liên quan, các Chính quyền cấp tỉnh, thành, địa phương tham gia giám sát hoạt động giáo dục. Nhiều điều khoản không cụ thể, nhiều điều khoản lại vướng mắc mâu thuẫn nhau gây khó khăn trong việc thực hiện Luật.

Điều này cũng tự lý giải vì sao cho đến nay, qua 5 năm thực thi Luật mà chỉ có rất ít trường trong tổng số hơn 500 trường trong cả nước tự nguyện tham gia thí điểm tự chủ ĐH.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục cho rằng có 4 rào cản tồn tại ở GDĐH hiện nay: Phân kỳ về nhận thức đối với tự chủ ĐH; từ sự phân kỳ về nhận thức dẫn tới sự thiếu nhất quán về thể chế, thiếu nhất quán từ các văn bản Luật đến văn bản dưới Luật; sự tồn tại và lên ngôi của các tổ chức nhóm ở Viện trường; chưa thấy rõ được cơ chế vận hành của tự chủ ĐH.

GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó GĐ ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam đã vận hành trong một loạt cơ chế không có tự chủ quá lâu. Vì vậy, bản thân các cơ sở giáo dục ĐH này nhiều khi cũng không hiểu tự chủ là thế nào.

“Thực tế đã có những cơ sở giáo dục ĐH hiểu nhầm. Theo họ, tự chủ ĐH là tự lo kinh phí, được tự tiêu những khoản tiền mình kiếm được. Nghĩ đơn giản như vậy nên nhiều cơ sở ĐH không dám nhận làm thí điểm tự chủ. Tức là họ bị mất khả năng tự chủ” - GS Vũ Minh Giang nói.

GS Giang cho rằng giáo dục ĐH ở Việt Nam từ xưa đến nay vốn thích ứng với cơ chế, luật pháp, thiết chế tổ chức, với cách quản lý chặt. Vì vậy, giờ muốn tự chủ, từ việc biên soạn đến thay đổi những cơ chế, có thể coi như những mối ghép phải tháo cũng phải từng bước, không nóng vội được.

Giống như ngôi nhà kín gió lâu quá, giờ muốn mở cửa phải từ từ, nếu không sẽ bị cảm. Do đó, cần thay đổi từng bước. Xã hội cũng đặt ra những yêu cầu rất cao đối với các nhà quản lý giáo dục ĐH. Ví dụ như trách nhiệm giải trình cũng khiến họ rụt rè vì cảm thấy yêu cầu, thách thức quá lớn. Nên họ sẵn sàng chọn làm theo kiểu cũ, an toàn hơn.

tu chu dh bao gio cho het vua lam vua lo
ĐH muốn phát triển được phải tự chủ, tuy nhiên, tỷ lệ các trường tự chủ ở Việt Nam hiện nay còn ít. (Ảnh P.T)

Bàn nhiều tự chủ tài chính, ít nhắc về tự chủ học thuật

PGS Đặng Quốc Bảo, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, tự chủ và giải trình được ví như là “tay ga” và “tay phanh” cho cỗ xe trên đường thiên lý. “Ga” càng bốc thì “phanh” phải càng nhạy. Các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ trên ba lĩnh vực: Tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và tự chủ nhân sự. Ba mặt này phải vận hành đồng bộ.

PGS.TS Đặng Bá Lãm, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược khoa học giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam lại cho rằng, có 6 phạm vi mà các trường ĐH cần được tự chủ: Tự chủ quản lý; Tự chủ kiểm soát tài chính; Tự chủ về nhân sự; Tự chủ tuyển sinh; Tự chủ học thuật; Tự chủ đánh giá và cấp bằng.

PGS.TS Đặng Bá Lãm cho rằng, khi bàn luận về tự chủ ĐH, giới khoa học trong nước thảo luận sôi nổi về tài chính, tuyển sinh, chương trình đào tạo... chứ ít người quan tâm đến nhiệm vụ trước mắt của các trường ĐH là sáng tạo khoa học. Điều đó theo ông là dễ hiểu bởi so với đào tạo thì các hoạt động khoa học tại trường ĐH ở nước ta vẫn là thứ yếu.

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định, tự chủ ĐH đầu tiên phải là tự chủ về học thuật. Đây là nhiệm vụ cơ bản nhất và quan trọng nhất của giáo dục ĐH.

Trước nay, khi bàn tự chủ ĐH, mọi ý kiến thường tập trung quá nhiều vào vấn đề tài chính, ít bàn đến tự chủ học thuật. Trong khi đó, trong nhiều cuộc họp với Bộ GD&ĐT, với khối các trường ĐH, CĐ trên cả nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa, mà chỉ là thay đổi cách đầu tư để đạt hiệu quả cao hơn.

Ví dụ như Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị được cho vay vốn 50 triệu USD để đầu tư phát triển. ĐH Bách khoa đang trình tự chủ ĐH cũng được vay khoản vốn tương tự; ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội vẫn được tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí.

Thực tế là để không “lo” tự chủ, các trường cần thống nhất quan điểm về tự chủ, như thế, mới có thể mạnh dạn thay đổi tư duy cũ, cơ chế quản lý cũ để tự chủ được.

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động