Chủ nhật 05/05/2024 09:22

Truông Bồn tháng 7: Vang mãi bản hùng ca trên núi Thung Nưa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từng được xem là "tọa độ lửa”, "túi bom”...trên tuyến đường 15A huyết mạch, Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) trở thành điểm bị đánh phá ác liệt với mưu đồ chặt đứt đường vận tải của ta vào Miền Nam. Nơi đây chỉ trong vòng 4 tháng, không lực Mỹ đã trút xuống 2.692 quả bom các loại, cày xới làm hư hỏng và đốt cháy hàng trăm xe ô tô chở hàng hoá, vũ khí của ta trên đường chi viện vào mặt trận phía Nam...
Truông Bồn tháng 7: Vang mãi bản hùng ca trên núi Thung Nưa
Truông Bồn từng là tọa độ lửa, túi bom trên tuyến đường 15A bởi sự đánh phá ném bom tàn khốc của máy bay Mỹ (Ảnh Tư Liệu)

“Tọa độ lửa”, "túi bom”...!

Nhắc đến Truông Bồn, một địa chỉ đỏ còn lưu lại dấu ấn một thời hào hùng, oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là dấu mốc những năm 1964 đến 1968. Theo tài liệu của Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, tuyến đường chiến lược 15A có chiều dài gần 200km, tiếp nối từ quốc lộ 1A - giáp với tỉnh Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Ðàn, Tân Kỳ, Ðô Lương về đến huyện Nam Ðàn, rồi một ngả rẽ về bến phà Linh Cảm, tỉnh Hà Tĩnh; một ngả đi về thành phố Vinh, qua phà Bến Thủy vào Ngã ba Ðồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ðây là huyết mạch giao thông để vận chuyển nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền nam khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá, phong tỏa tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An. Chỉ tính riêng từ năm 1964 đến 1968, không quân Mỹ đã trút xuống Truông Bồn 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn tên lửa, rốc-két.

Truông Bồn cũng được mệnh danh cửa tử, Truông Bồn nằm ở địa thế hiểm trở, hai bên là sườn đồi, giữa là con đường độc đạo. Trên đoạn dài khoảng 15km nhưng chỉ tính riêng từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1968, không lực Mỹ đã trút xuống nơi này 2.692 quả bom các loại, cày xới làm hư hỏng và đốt cháy hàng trăm xe ô tô chở hàng hoá, vũ khí của ta trên đường chi viện vào mặt trận phía Nam. Cũng tại tọa độ lửa này, chúng ta đã mất hơn 200 cán bộ, chiến sỹ bộ đội phòng không, công binh Quân khu 4 và Đại đội thanh niên xung phong 317. Xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương cũng phải hứng chịu nhiều đau thương, mất mát với 41 người chết và bị thương do bom Mỹ.

Truông Bồn tháng 7: Vang mãi bản hùng ca trên núi Thung Nưa
Tọa độ lửa Truông Bồn hôm nay (Ảnh TB)

Cuộc chiến đấu bảo vệ cung đường huyết mạch, nhất là tọa độ lửa Truông Bồn của quân và dân ta diễn ra vô cùng khốc liệt, dù trong mưa bom, với sự đánh phá điên cuồng máy bay Mỹ nhưng các chiến sĩ, thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi vẫn can trường, gan dạ bám đường. Chỉ duy nhất một niềm tin, một ý chí sắt đá đó là dù máu có đổ, có hi sinh thì cung đường vẫn phải thông xe, không để cho giặc đạt được mục đích, không để những đoàn xe chi viện, vật tư, đạn dược cho chiến trường Miền Nam ruột thịt bị ách tắc.

Mỗi chiến sĩ, mỗi đồng chí là một cột mốc sống trong mưa bom, vừa khẩn trương sửa chữa đường sau những trận bom của giặc, vừa làm hoa tiêu, dẫn đường cho xe qua điểm an toàn để tiếp tục hành trình. Đó là những ngày đất không ngủ bởi những trận bom liên tục dội xuống, cày xới, chi chít những hố bom của máy bay Mỹ để lại mỗi lần oanh tạc, là những giờ khắc mỗi chiến sỹ bám đường gần như không nghĩ đến những điều xa xôi hơn ngoài nhiệm vụ thông tuyến, bảo đảm xe qua được tọa độ lửa này.

Vang mãi bản hùng ca trên núi Thung Nưa

Những trận mưa bom khốc liệt của máy bay Mỹ dội xuống tọa độ lửa Truông Bồn, dội chi chít, cày xới tơi tả núi Thung Nưa cũng không khuất phục được ý chí quật cường của quân và dân ta. Trái ngược với những loạt mưa bom vô nhân đạo ấy là bản anh hùng ca bất diệt, bất tử của quân và dân ta được viết nên một cách oai hùng nhất.

Đó là những hi sinh, mất mát hóa thành bất tử, mà đến bây giờ, khi chiến tranh đã lùi xa, nó vẫn hiện hữu gần như trọn vẹn khí thế của một thời hào hùng của cả dân tộc, của một thời tọa độ lửa Truông Bồn bất khuất. Truông Bồn nay còn đó những vết tích dày đặc hố bom, còn đó là phần mộ chung của những chiến sĩ, các anh, các chị thanh niên xung phong đã ngã xuống để bảo vệ Truông Bồn, bảo vệ Thung Nưa, bảo vệ ý chí quật cường về mục tiêu dẫu có hi sinh mất mát vẫn phải giữ cho đường huyết mạch, để có thể chi viện kịp thời cho miền Nam đánh giặc...

Nhớ lại giây phút “ngẩng mặt lên chưa kịp xuống hầm trú ẩn đã thấy máy bay Mỹ rải bom chi chít trên bầu trời”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Trần Thị Thông không khỏi nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt khi chỉ trong mấy phút ngắn ngủi đang làm nhiệm vụ cùng nhau thì đồng đội đã mãi mãi ra đi trên đồi Thung Nưa...

Truông Bồn tháng 7: Vang mãi bản hùng ca trên núi Thung Nưa
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng tiểu đội thép là nhân chứng sống may mắn thoát khỏi trận bom tàn khốc rạng sáng 31/10/1968 của máy bay Mỹ tại tọa độ lửa Truông Bồn (Ảnh Hoàng Phạm)

Đó là rạng sáng 31/10/1968, 13 chiến sĩ TNXP của tiểu đội thép, tiểu đội cảm tử thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ. Lúc đó AHLLVTND Trần Thị Thông là Tiểu đội trưởng và 13 chiến sĩ TNXP khác trong đó có hai nam và 11 nữ đang sửa lại đường sau trận bom của máy bay Mỹ thì bất ngờ hứng chịu trận bom dữ dội, tất cả Truông Bồn chìm vào bụi lửa..

AHLLVTND Trần Thị Thông là người duy nhất còn sống trong vụ oanh tạc tàn khốc ấy đã kể rằng, trước ngày đau thương ấy, chị em trong tiểu đội sang nơi tôi ở và cứ thủ thỉ, chuyện trò với nhau, không ai chịu đi ngủ, vì nghĩ rằng cũng chỉ đêm nay thôi, ngày mai anh, chị em mỗi đứa lại một nơi rồi. Thương lắm, như chuyện của Liệt sĩ Cao Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Tâm, đã hẹn nhau và định ngày cưới nhưng rồi cả hai đã ngã xuống trong trận bom cuối điên cuồng của giặc Mỹ, có người đã cầm giấy báo nhập học của các trường, có người mong chờ được về với mẹ...

Trong số 13 liệt sỹ Truông Bồn thì Nguyễn Thị Hoài là người trẻ tuổi nhất, cô sinh ngày 17 tháng 7 năm 1951, tuổi Tân Mão. Khi hi sinh mới 17 tuổi ba tháng rưỡi và đi TNXP vừa được 9 tháng 20 ngày thì cả 9 tháng 20 ngày ấy đều ở Truông Bồn...Mỗi liệt sĩ trước thời khắc mất mát, hi sinh họ đều mang trong mình niềm hi vọng, niềm vui khi chỉ một đêm nữa thôi họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả nơi tọa độ lửa Truông Bồn để trở về và viết tiếp cuộc đời mình với biết bao dự định đã soạn sẵn. Thế nhưng chẳng ai ngờ rằng họ đã vĩnh viễn nằm lại Truông Bồn, máu thịt đã hòa vào đất mẹ rồi hóa thành bất tử trên dãy Thung Nưa.

Và nay chính nơi các anh, các chị ngã xuống, yên nghỉ ấy là một tượng đài bất tử, là địa chỉ đỏ để ghi ơn tạc dạ, giáo dục truyền thống bất khuất, ngoan cường của quân, dân ta trong những thời khắc lịch sử vẻ vang nhất nhằm bảo vệ non sông, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Nơi mà bản thân những người hậu thế hôm nay vẫn luôn đến để tri ân, thắp những nén hương, dâng những bó hoa tươi thắm, tỏ lòng thành kính về sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cuộc chiến khốc liệt tại tọa độ lửa Truông Bồn.

Tháng Bảy lại về, Truông Bồn đón dòng người về dâng hoa, dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tháng Bảy, Truông Bồn lại tỏa ngát hương của những loài hoa, trên núi Thung Nưa những màu hoa sim tím khoe sắc như muốn hát lên bài ca bất tử của những chiến sĩ cách mạng kiên trung...ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc BQL Truông Bồn cho biết: Truông Bồn là địa chỉ đỏ gắn liền với những cuộc chiến đấu hết sức cam go, khốc liệt, thế hệ hôm nay luôn biết ơn và tạc dạ những hi sinh, mất mát của cha ông, của các anh hùng liệt sĩ cách mạng kiên trung. Thật vui mừng và tự hào khi được chăm lo nơi thờ tự, tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng, nơi mà máu thịt các anh, chị đổ xuống hòa vào đất mẹ rồi hóa thành bất tử. Không những dịp này, mà thường ngày tại Truông Bồn luôn đón hàng trăm lượt người trong và ngoài tỉnh đến viếng, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ. Nơi các anh chị hi sinh nay đã hóa tượng đài bất tử, nơi để biết bao thế hệ con cháu hôm nay, mai sau được thấy rõ hơn về những cống hiến, hi sinh của các bậc tiền nhân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Năm 1996, Truông Bồn được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hiện nay nằm trong quần thể có diện tích 22ha với 20 hạng mục chính và nhiều công trình phụ trợ, có tổng mức đầu tư 365 tỉ đồng.
Luôn khắc sâu, ghi nhớ công lao to lớn của những người có công với cách mạng
Chúng con trân trọng giá trị hòa bình ngày hôm nay!
Dấu ấn các hoạt động triển lãm, trưng bày thắp lửa tri ân ngày 27/7
Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động