Thứ sáu 07/02/2025 21:14

Triệu chứng, cách chăm sóc và phòng ngừa cúm A ở trẻ nhỏ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính phổ biến vào mùa đông - xuân và thời điểm giao mùa, đặc biệt dễ lây lan ở trẻ nhỏ. Dù phần lớn các trường hợp diễn biến lành tính, cúm A vẫn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Triệu chứng, cách chăm sóc và phòng ngừa cúm A ở trẻ nhỏ
Ảnh minh họa

Theo TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các chủng virus như H1N1, H3N2, H7N9... gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn li ti chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus rồi chạm tay lên mắt, mũi, miệng.

Triệu chứng ban đầu của cúm A ở trẻ nhỏ thường giống với các bệnh viêm đường hô hấp khác như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, khiến cha mẹ khó phân biệt. Tuy nhiên, trẻ nhiễm cúm A thường có biểu hiện sốt cao từ 39-40°C, mắt và da sung huyết, họng đỏ toàn bộ, mệt mỏi, ăn uống kém và quấy khóc. Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể xuất hiện triệu chứng khó thở, viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao kèm các triệu chứng viêm long đường hô hấp, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Đa số các trường hợp cúm mùa nhẹ sẽ được điều trị ngoại trú với thuốc hạ sốt và các thuốc điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu biến chứng như viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện để điều trị chuyên sâu.

Việc chăm sóc trẻ mắc cúm A cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng. Các loại thuốc hạ sốt và điều trị triệu chứng chỉ nên dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc tại nhà.

TS.BS Đặng Thị Thúy khuyến cáo, cúm A là bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người già và phụ nữ mang thai. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động. Thời điểm tiêm thích hợp nhất là trước mùa đông - xuân khoảng 3 tháng, thường từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm, giúp cơ thể sản sinh đủ kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Do virus cúm liên tục biến đổi và kháng thể suy giảm sau một năm, việc tiêm phòng nhắc lại hàng năm là cần thiết.

Bên cạnh tiêm vaccine, cha mẹ cần chú trọng nâng cao thể trạng cho trẻ bằng chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất phù hợp theo lứa tuổi. Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ là yếu tố quan trọng trong phòng ngừa cúm, bao gồm rửa tay sạch với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi từ ngoài về nhà. Cha mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng và thường xuyên vệ sinh không gian sống, đồ chơi, vật dụng cá nhân của trẻ.

Vì cúm A lây lan qua đường hô hấp, nên hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người và tránh tiếp xúc với người bị cúm. Khi ra ngoài, cả trẻ và người lớn nên đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây nhiễm. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc cúm A và bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

Tạo hình cho trẻ 8 tháng tuổi bị thoát vị bẹn khổng lồ
Biến chứng nguy hiểm của cúm, người có bệnh nền cần đặc biệt cẩn trọng
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động