Triển khai nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVới lợi thế là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học hàng đầu của cả nước, TP Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển DN KHCN |
Dẫn đầu cả nước về số DN KHCN
Có thể khẳng định, thời gian qua, Hà Nội rất trách nhiệm với vị thế động lực tăng trưởng của phía Bắc, trung tâm hàng đầu về KHCN và đổi mới sáng tạo. TP quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KHCN, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường ĐH và CĐ, viện nghiên cứu, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.
Trước những bước tiến mới của xã hội, các cấp, các ngành TP đều kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển KHCN; kiện toàn mô hình, tổ chức bộ máy làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về KHCN. Sở KHCN cũng tham mưu để TP thành lập 12 Ban chủ nhiệm các Chương trình KHCN trong các lĩnh vực trọng yếu. Hà Nội đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 5/2022, TP Hà Nội đang dẫn đầu cả nước với 122 DN KHCN đã được chứng nhận trên tổng số khoảng 600 DN KHCN của cả nước. Theo đó, cơ sở hình thành DN KHCN của Hà Nội khá đa dạng, trong đó chủ yếu hình thành từ phần mềm máy tính (38%) và bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (34%). Bên cạnh đó, lĩnh vực hoạt động của các DN KHCN cũng khá phong phú, bao gồm công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, y tế; công nghệ vật liệu mới; công nghệ bảo vệ môi trường và một số công nghệ khác (hóa dược; công nghệ tích hợp: Cơ khí, chế tạo máy, điện, điện tử, điều khiển, tự động hóa). Đây là các lĩnh vực quan trọng, chủ lực, trọng điểm có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Có thể nói, DN KHCN hiện đang được xác định là “đòn bẩy cho sản xuất trong nước” vì không chỉ là cầu nối đưa các nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng chủ đạo, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nước nhà. Theo các chuyên gia, mặc dù Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về tổng số các DN KHCN, tuy nhiên, so với tổng số hàng chục ngàn DN trên địa bàn TP, cùng tiềm năng về KHCN của một Thủ đô, thì số lượng 122 DN KHCN là quá khiêm tốn. Mặt khác, trong số 122 DN đã được chứng nhận mới chỉ có 3 DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Nhiều giải pháp hỗ trợ các DN KHCN
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó GĐ Sở KHCN Hà Nội cho biết, Hà Nội tiếp tục duy trì là một trong hai địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ và phát triển DN KHCN; đã chú trọng xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, giới thiệu chính sách và hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội xây dựng mục tiêu trở thành Trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Đi kèm đó là con số 200 DN KHCN hoạt động vào cuối giai đoạn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có tối thiểu 200 DN KHCN, bên cạnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 49/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về "Hỗ trợ phát triển DN KHCN đến năm 2025", ngoài ra, Sở KHCN Hà Nội đang nghiên cứu, tham mưu UBND TP xem xét, bổ sung một số giải pháp đột phá để tăng nhanh số lượng và chất lượng DN tương xứng với tiềm lực KHCN của Thủ đô.
Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với UBND TP bố trí quỹ đất, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ thuê đất cho DN theo quy định. Quỹ Đầu tư phát triển TP hoàn thiện hành lang pháp lý các quỹ đang được TP giao quản lý, làm căn cứ triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các DN KHCN tiếp cận, vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Theo Phó GĐ Sở KHCN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, trước những bước tiến mới của xã hội, các cấp, các ngành TP đều kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển KHCN. Thành ủy, UBND TP dành sự quan tâm đặc biệt đến thể chế nhắm khuyến khích DN KHCN phát triển cả về số lượng lẫn chiều sâu... Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”. Trước đó, UBND TP từng cụ thể hóa mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước thông qua Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 28/2/2020 về Hỗ trợ phát triển DN KHCN trên địa bàn đến 2025. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại