Thứ sáu 29/03/2024 17:25

“Trẻ con không biết gì” hay sự thất bại của giáo dục?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Câu chuyện một em bé đùa nghịch trong quán cà phê khiến cốc nước đổ vào chiếc laptop đắt tiền của một cô gái đang làm việc tại đó hay mới đây, hai cậu bé đi cùng mẹ đến chúc Tết nhà hàng xóm đã có hành động giẫm đạp con mèo của chủ nhà khiến câu cửa miệng “trẻ con có biết gì đâu” lại tiếp tục gây tranh cãi.
Câu chuyện về hai cậu bé đánh đập, hành hạ con mèo nhỏ khiến cư dân mạng dậy sóng
Câu chuyện về hai cậu bé đánh đập, hành hạ con mèo nhỏ khiến cư dân mạng dậy sóng.

Theo đó, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cộng đồng mạng lại dậy sóng bởi một câu chuyện về cách hành xử của phụ huynh trước hành vi nghịch ngợm, không kiểm soát của hai cậu bé. Theo U.N (Vũng Tàu) chia sẻ, mùng 2 Tết gia đình U.N có đón tiếp gia đình một người họ hàng đến chúc Tết. Trong khi mọi người đang trên nhà nói chuyện thì hai cậu bé con của người họ hàng của U.N đã có hành động dẫm đạp, hành hạ con mèo mà U.N đang nuôi.

Hành động của hai cậu bé khiến con mèo của U.N bị chấn thương và trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, sau khi xem video quay lại cảnh hành hạ mèo và nói chuyện với phụ huynh của hai bé thì U.N đã nhận được một câu ráo hoảnh: “Con nít có biết gì đâu”.

Sự việc ngày sau đó được U.N chia sẻ trên trang facebook của mình. Bài viết của U.N đã có hơn 83 nghìn lượt chia sẻ cùng gần 200 nghìn lượt bình luận. Nhiều các fanpage cũng như các nhóm đã đồng loạt chia sẻ cũng như lên án cách hành xử của mẹ của hai cậu bé. Và cũng từ đây, câu nói “Trẻ con (hoặc con nít) có biết gì đâu” lại một lần nữa khiến cộng đồng mạng tức giận.

Câu chuyện đổ nước lên laptop của người khác hay sự việc hành hạ động vật mới đây của những đứa trẻ hiếu động không phải là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không phải là việc các em bé đó nghịch ngợm, ngỗ ngược như thế nào, mà đó là câu chuyện giáo dục con của các bậc phụ huynh.

Phản đối tư duy “trẻ con không biết gì”, chị Lê Hoài Phương (Đống Đa) cho rằng, chính suy nghĩ con nít không biết gì cả của phụ huynh có thể làm hư trẻ em ngay khi còn nhỏ.

“Nên bỏ ngay quan điểm trẻ con không biết gì của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái. Bản thân tôi cũng có con nhỏ, tôi quan sát đứa bé từ khi mới lọt lòng và tôi nhận thấy rằng, bọn trẻ có ý thức từ rất sớm. Ví dụ như ngay từ khi mới vài tháng tuổi, bé đã nhận thức được cảm xúc của mẹ, lúc mẹ cáu kỉnh, lúc mẹ vui vẻ… Lớn hơn chút nữa, tầm 1, 2 tuổi, bọn trẻ đã nhận thức được trong gia đình ai là “nóc”, và chúng có thể ỷ lại hoặc có thể nhõng nhẽo với ai” - chị Phương nói.

Vì vậy, quan điểm trẻ không biết gì hoàn toàn không chính xác. Theo chị, trẻ còn nhỏ, có thể chưa nhận thức được đầy đủ mọi thứ xung quanh nhưng nếu có phương pháp phù hợp, dạy trẻ những nhiều nhỏ nhặt, đơn giản nhất. Những điều đó sẽ được trẻ ghi nhớ và tích lũy dần để hình thành thói quen, tính cách sau này.

Và cũng theo chị, ngay từ bé, việc nhận thức và biết chịu trách nhiệm với mọi hành động của mình cũng là điều mà bố mẹ nên giáo dục, khiến cho bé hiểu. Chị cho rằng, dạy dỗ trẻ em dễ dàng hơn là giáo dục lại một người trưởng thành với đầy lỗ hổng trong tính cách.

Quan điểm về những vụ việc xảy ra gần đây, một chuyên gia giáo dục cho rằng, khi con cái mắc lỗi, cha mẹ bênh vực và yêu cầu mọi người phải bao dung hành vi đó bằng câu nói “trẻ con chưa biết gì” là không chấp nhận được.

Theo chuyên gia, mọi người không có trách nhiệm gánh chịu hậu quả do việc làm của con cái người khác gây ra. Câu nói “trẻ con không biết gì” không phải bao biện cho trẻ mà cho chính bản thân cha mẹ, vì họ không hoàn thành trách nhiệm giáo dục con cái. Với câu nói này, họ tự biến mình thành nạn nhân cũng như đổ trách nhiệm cho người khác.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, con người sinh ra ngoài bản năng như ăn, uống, hít thở thì tất cả mọi thứ đều phải học. Mà quan trọng nhất là học được nguyên tắc “được - cấm - phải”. Có nghĩa cái gì được làm, cái gì cấm làm và cái gì phải làm… Mỗi đứa trẻ cần được dạy dỗ sớm những nguyên tắc này để biết cách tôn trọng người khác, cũng như để chính bản thân chúng được an toàn.

Bài học từ vụ việc thí sinh ngủ quên: Sự khác biệt giữa con người và robot…
3 ngày sau báo cáo của trường, thầy giáo mới xin lỗi nữ sinh và tập thể lớp
Nên tôn trọng sự lựa chọn của con trẻ
Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động