Chủ nhật 30/06/2024 11:08

Trẻ 11 tuổi viêm phổi hoại tử, sốc nhiễm khuẩn từ nốt nhọt trên da

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh nhi N.T.N (11 tuổi, đến từ Đồng Tháp) đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cứu sống sau khi trải qua ca phẫu thuật phức tạp do biến chứng nặng từ một nốt nhọt trên da.
Trẻ 11 tuổi viêm phổi hoại tử, sốc nhiễm khuẩn từ nốt nhọt trên da
Bé N phải trải qua tình trạng nguy kịch vì nốt nhọt trên da. Ảnh: BVCC

Theo đó, bé N xuất hiện nốt nhọt trên da ở vùng gối kèm theo sốt cao. Hai ngày sau, tình trạng bệnh nhi trở nên nặng hơn với sốt cao liên tục, nhọt da vỡ mủ và khó thở. Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện Sa Đéc với chẩn đoán viêm phổi nặng, viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, sau khi điều trị bằng kháng sinh và hỗ trợ hô hấp, tình trạng của trẻ không cải thiện. Do đó, trẻ được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 để tiếp tục điều trị.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch: lơ mơ, tím tái, suy hô hấp nặng và trụy tim mạch. Các bác sĩ đã ngay lập tức đặt nội khí quản, thở máy, truyền dịch chống sốc và sử dụng kháng sinh mạnh cho trẻ. Tuy nhiên, tình trạng vẫn không tiến triển khả quan. Trẻ được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.

Tại khoa Hồi sức tích cực, bé N được chẩn đoán viêm phổi hoại tử, viêm mô tế bào và sốc nhiễm khuẩn do tụ cầu. Bé được thở máy, chống sốc tích cực, dùng thuốc vận mạch, kháng sinh mạnh, nhưng diễn biến không thuận lợi. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện lọc máu liên tục để loại bỏ độc tố, cytokin và ổn định chức năng các cơ quan cho bé.

Sau 72 giờ hồi sức tích cực, bé N đã vượt qua giai đoạn nguy kịch của sốc nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, bé vẫn phải đối mặt với tình trạng viêm phổi nặng, hoại tử toàn bộ 2 phổi kèm tràn máu, tràn mủ màng phổi gây suy hô hấp nặng.

Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn viện và quyết định phẫu thuật dẫn lưu máu, mủ màng phổi, loại bỏ các mô hoại tử ở phổi cùng lúc mổ dẫn lưu mủ ở vùng đầu gối cho bé.

Sau gần 2 tháng điều trị tích cực, với sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1, bé N. đã hồi phục sức khỏe và xuất viện vào cuối tuần qua.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiễm khuẩn huyết tụ cầu thường xuất phát từ các ổ nhiễm trùng da như nhọt, viêm mô tế bào, vết thương da mô mềm,... Khi vi khuẩn xâm nhập vào máu, sẽ gây ra sốt cao, nhiễm khuẩn huyết và tổn thương nhiều cơ quan.

Do đó, khi có các biểu hiện nhiễm trùng ngoài da (nhọt, viêm mô tế bào, vết thương da mô mềm,...), nhất là khi kèm theo sốt cao, đỏ da hoặc khó thở, bệnh nhân cần lập tức đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Người đàn ông nguy kịch sau khi mổ lợn
Cảnh báo sốt mò: nữ bệnh nhân nguy kịch vì sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng từ vết loét đặc trưng
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động