Trào lưu Emo - Sự lệch lạc giữa khái niệm tự do với “tự sướng”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVậy vì sao nhiều bạn trẻ lại thích làm đau mình, đâu là liều thuốc “miễn dịch” cho sở thích quái gở này?
Xu hướng tự hành xác
Trào lưu này là sự tổng hòa của thời trang và cảm xúc. Người theo Emo (Emo) có phong cách khá kỳ dị, nam thường rất gầy, trang điểm, sơn móng tay hoặc vẽ mắt, nữ thường trang điểm cầu kỳ và đính lên mình nhiều trang sức kì dị. Trang phục của các Emo thường là những chiếc váy đen, quần jeans bó sát, áo phông, thắt lưng và những đôi giày "khủng". Mái tóc màu đen và ép thẳng với mái dài được chải hất sang một bên mặt. Các Emo thường thích nhạc rock với những phần lời mùi mẫn, đầy cảm xúc. Họ hay tụ tập thành nhóm khác nhau để cùng giao lưu, tâm sự hay luận bàn những chuyện "trên trời dưới biển".
Tuy nhiên có một số bộ phận giới trẻ lại đam mê bệnh hoạn theo kiểu “tôi đau tôi tồn tại”. “Nếu văn hóa Emo chỉ là thứ gì đó giống với đam mê âm nhạc thì chẳng có gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ hiện nay đã đang không hiểu được hoặc hiểu sai bản chất của Emo, việc không tìm được lối thoát về mặt tinh thần cho những vấn đề trong cuộc sống đã làm cho họ biến Emo thành một lối sống tiêu cực. Như việc các Emo có kiểu "hành xác" thái quá, bằng cách dùng dao rạch chằng chịt lên cơ thể… Đáng sợ hơn, nhiều teen còn thi xem ai vạch nhiều hơn, đẹp hơn, chảy nhiều máu hơn.
Nữ sinh H.T.T, 21 tuổi (ở quận Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: “Vì không biết giải tỏa “đau buồn” với ai nên em đã cắt tay với mong muốn quên đi nỗi đau về tinh thần. Em che một phần khuôn mặt bằng mái tóc ép chải ngôi lệch, hắt sang một bên, trang phục theo phong cách đường phố. Em chán nản và thất vọng mặc dù đang có một cuộc sống hoàn hảo.
Chính vì trào lưu Emo tự làm đau chính mình để giải phóng cảm xúc nên nhiều teen nhẹ thì cắn đến đỏ bầm tay, cào cấu bản thân và những người xung quanh, nặng hơn thì dùng dao lam khắc chữ hay rạch những vết chằng chịt lên tay. Kinh khủng hơn, có trường hợp tự đập đầu vào tường, vào cửa kính. Đây là hội chứng tự hành xác, làm đau bản thân bằng các dụng cụ như dao, kéo, vật nhọn...
Có những đoạn clip quay bằng điện thoại của các Emo những cảnh rạch tay "hành xác" được tung lên mạng và có rất nhiều lượt xem. Hồi tháng 7 năm ngoái, hình ảnh đáng sợ về cặp chân một cô gái chằng chịt những vết rạch, có vết còn đang rớm máu đã trở thành tâm điểm tranh luận của cư dân mạng. Kèm theo đó là hàng loạt bức ảnh chụp các hình rạch tay mà các teen "tự sướng" để khoe với bạn bè. Rất nhiều bạn trẻ đang nhầm lẫn giữa việc thể hiện cảm xúc của một Emo với việc không kiềm chế được hành động, nổi loạn và phá rối người khác.
Emo phát triển chưa nhiều nhưng đang có biểu hiện thành một trào lưu sống của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ còn xem Emo là mốt, biết buồn rầu và biết khóc mới là giới trẻ hiện đại. Bên cạnh đó, việc tồn tại những Emo nửa vời, biến thái và suy nghĩ lệch lạc trong tình cảm cũng đáng báo động. Có những bạn trẻ đến với Emo chỉ đơn giản là áo quần, thích ăn mặc khác người và tự cho rằng đấy là cá tính.
Chỉ cần dạo qua một số địa điểm mà giới trẻ thường lui tới như rạp chiếu phim, các quán cà phê… chúng tôi bắt gặp khá nhiều bạn trẻ theo trào lưu này. Nhìn những nam thanh niên, người ngoài chỉ có thể đánh giá nhanh rằng họ ăn mặc khác người, cầu kỳ, điệu đà… cá biệt còn một số ít người trông khá quái dị. Nếu ai không hiểu thì cho đó là mốt thời trang mới hoặc phong cách unisex (thời trang mà nam nữ đều có thể mặc được). Nhưng nhìn kỹ thì thấy cách nói chuyện của họ đều có gì đó khác thường. Chỉ cần một thành viên trong nhóm đi ngược với ý của cả hội, thì tất cả sẽ “sụt sùi” nước mắt rất nhanh.
Theo nữ sinh T.H.L, 20 tuổi, ở tỉnh Nam Định thì lý do chỉ là: “Hôm đấy, em ngồi rảnh quá, buồn buồn lôi compa ra rạch khắc chữ trên tay. Đau lắm nhưng được cái bọn bạn được dịp hết hồn luôn, sợ em lắm vì trước giờ bọn nó toàn dùng dao lam, chỉ có mình em dám dùng compa khắc chữ”.
Bạn N.K.H 23 tuổi nhớ lại khoảng thời gian cô bị ảnh hưởng bởi trào lưu Emo: “Giờ đây, tay em còn vết sẹo rất rõ. Nghĩ lại em thấy sợ mình và cũng không hiểu sao lúc ấy mình lại hành động như vậy nữa. Thầy giám thị đã gọi em lên kỷ luật và còn bảo em bị điên nên mới hành động như vậy. Lúc đó em vừa đau vừa bực mình và rất buồn nữa”.
Cảm giác tuyệt vọng ở độ tuổi dậy thì có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những việc "đao to búa lớn" như trượt ĐH, cảm giác bị cô lập, bị tẩy chay ở trường, chia tay người yêu cho đến những chuyện "cỏn con" như bố mẹ trách móc, điểm kém.
Ảnh minh họa
Hãy dành cảm xúc cho việc có ích
Emo thật sự là một con người có nội tâm nhạy cảm, có cách nhìn cuộc sống một cách mạnh mẽ. Có vẻ vì họ có con mắt tinh tế nhưng nhạy cảm nên hay phát hiện ra cái điều trái khoáy từ cuộc sống... Cũng có những Emo phải trải qua những nỗi đau không ai hiểu, những nỗi day dứt từ rất bé, tâm hồn ngây thơ hoặc nhạy cảm đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ rằng theo Emo là phải rạch tay rồi hành hạ bản thân, nhưng chính những bạn đó cũng không hiểu bản chất của Emo. Họ đang nhầm lẫn giữa việc thể hiện cảm xúc và việc không kiềm chế được bản thân rồi nổi loạn.
Bạn N.H.A 22 tuổi (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), từng nhiều lần tự rạch tay, chia sẻ: “Đó không phải đẳng cấp hay cá tính mà là sự nông nổi, bồng bột. Dù với lý do gì, tự hành xác là hành vi ngu xuẩn vì cơ thể của ta là do cha mẹ sinh thành dưỡng dục…”. Gia đình A khá may mắn vì cô còn đủ tỉnh táo để ra khỏi “vũng lầy cảm xúc”, dù bây giờ trên cánh tay cô vẫn còn những vết cắt cũ.
Các bạn trẻ cần được xã hội, cộng đồng hướng họ đến những việc có ích như tham gia tình nguyện, lao động công ích… Từ đó, những người theo Emo mới nhận biết được giá trị của cuộc sống và trưởng thành hơn trong cảm xúc. Cần có nội lực để hướng cảm xúc của mình đến với những điều tích cực. Còn việc cố tình làm ra vẻ buồn, ủy mị, bất hạnh của những người theo Emo “nửa mùa” là việc làm cần xã hội lên án.
Những trào lưu được giới trẻ hưởng ứng thường có xuất phát điểm không mấy tiêu cực, nhưng mỗi ngày chúng lại bị sự cổ súy một cách thiếu cân nhắc nên tạo ra những vết trượt lớn. Chỉ cần người lớn quan tâm đúng mức và nghiêm túc, giới trẻ sẽ phát triển đúng hướng. Xã hội và gia đình có lẽ không mong muốn điều gì hơn thế!
Chuyên gia tâm lý lâm sàng Lê Minh Công - Phó trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng và trị liệu Bệnh viện Tâm thần Trung ương II nói về lối sống Emo: "Mặt trái của Emo là việc sống theo cảm xúc sẽ khiến cho các bạn trẻ hành động theo cảm tính, nên rất dễ dẫn đến sai lầm. Đơn cử việc dùng dao lam, vật nhọn rạch lên tay, chân cho chảy máu… trước mắt là hệ quả về thẩm mỹ, không những thế việc chung đụng những dụng cụ rạch sẽ có nguy cơ nhiễm các căn bệnh qua đường máu rất cao. Vì vậy các bậc phụ huynh phải quan tâm và định hướng con em mình để hình thành lối sống lành mạnh. |
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại