Thứ sáu 29/03/2024 13:10

Trang bị “vaccine” gì để phòng ngừa tin giả?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tin giả xuất hiện và tồn tại do tâm lý tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận công chúng. Nó là tác nhân gây hại đời sống văn hóa tinh thần, là phương tiện để kẻ xấu lợi dụng “đục nước béo cò”.

“Biến chủng” mới của tin giả

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, là mảng đề tài trọng tâm, chiếm phần lớn diện tích, lưu lượng thông tin của các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Bên cạnh những thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, diễn biến, hiệu quả chống dịch ở các cấp, các ngành, các địa phương... không gian mạng liên tục xuất hiện tin giả. Hệ thống hóa những loại tin giả xuất hiện trên không gian mạng thời gian qua, chúng ta thấy rõ quy luật và những diễn biến của nó, giống như những “biến chủng” của loại virus nguy hiểm, gây hoang mang trong xã hội cũng được nhiều người dùng “vô tư” chia sẻ.

Nguyên nhân các đối tượng đăng tin chủ yếu nhằm mục đích “câu view, câu like”, một số khác gửi tin nhắn cảnh báo trong các nhóm kín. Dù với bất kỳ hình thức nào, việc đăng những thông tin sai sự thật cũng gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Sở TT&TT Hà Nội làm việc với đối tượng đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội
Sở TT&TT Hà Nội làm việc với đối tượng đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội

Mới đây, ngày 2-8, tài khoản Lệ Trần đăng tải trên mạng xã hội facebook thông tin: “12g đêm nay Hà Nội sẽ có chỉ thị mới về việc giãn cách. Người dân sẽ chỉ được ra ngoài 7 ngày 1 lần chứ ko được đi chợ cách ngày như bây giờ. Việc đi lại của những người có giấy phép đi làm cũng sẽ siết chặt hơn. Các bác xem chiều nay đi mua trữ thêm đồ ăn nếu gần hết nhé”. Qua rà soát, xác minh, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội khẳng định đây là tin giả, sai sự thật, đề nghị người dân cần cẩn trọng.

Trước đó, ngày 25-7, chị N.T.K.T, 33 tuổi đã sử dụng tài khoản cá nhân đăng lên nhóm facebook bài viết có nội dung: “Sáng mai Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà tag và chia sẻ cho nhau biết nhé”.

Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết, nội dung thông tin này là giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vi phạm quy định tại Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Hành vi của chị N.T.K.T đã vi phạm điểm a khoản 3 Điều 99, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thanh tra Sở TT&TT quyết định xử phạt chị N.T.K.T số tiền là 12.500.000 đồng và yêu cầu chị N.T.K.T gỡ bỏ thông tin sai sự thật.

Miễn dịch tin giả như thế nào?

Về mức xử phạt hành chính, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, người đó phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, người nào lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức, cá nhân và gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

“Trường hợp tung tin với mục đích thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho xã hội số tiền lớn… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288, BLHS năm 2015, hình phạt đến 7 năm tù”, luật sư Thái cảnh báo.

Bên cạnh hoàn thiện các chế tài pháp luật và nền tảng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện, ngăn chặn các thông tin xấu độc, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tán phát tin giả... luật sư Thái cũng cho biết, cần phải đặc biệt coi trọng nâng cao toàn diện kỹ năng, khả năng “miễn dịch cộng đồng” trước các thông tin thất thiệt. “Đây chính là loại “vaccine” phòng ngừa hiệu quả sự tấn công của tin giả và những “biến chủng” ăn theo. Nếu chỉ trông chờ vào sự can thiệp của pháp luật và trách nhiệm của cơ quan chức năng các cấp mà bỏ qua vai trò chủ động từ trận địa thông tin ở cơ sở, chúng ta sẽ có những “khoảng trắng” thông tin cho kẻ thù lợi dụng.

Cũng liên quan đến xử lý tin giả, GĐ Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền nộp phạt 270 triệu đồng. Sở TT&TT Hà Nội tới đây sẽ tập trung tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc, nhận diện, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng, kịp thời thông tin các nội dung cần thiết để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, không để tác động xấu đến dư luận.

Trong công điện khẩn tối 1-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực tới phòng, chống dịch bệnh. Sở TT&TT Hà Nội phối hợp với Sở Y tế kịp thời thông tin về phòng, chống dịch trên địa bàn TP để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động