Top 10 đề cử xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2022
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước. |
Bảng tóm tắt danh sách 10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2022:
1. Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước (SN 1926)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Hội viên Hội cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình), nguyên là Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII, IX, X.
Sau khi về hưu, ông luôn tâm huyết trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch.
Cụ thể, tích cực tham gia ý kiến xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Đảng bộ địa phương; có 3 lần góp ý trực tiếp với đồng chí Chủ tịch Quốc hội; cùng Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội có chính kiến với Ban Thường vụ Quốc hội về việc chưa nên thông qua luật về 3 đặc khu vì lòng dân chưa thuận, tránh các thế lực phản động lợi dụng kích động. Tham gia với lãnh đạo thành phố Hà Nội về giải quyết vụ việc Đồng Tâm, Mỹ Đức với các biện pháp giải quyết, không làm tình hình phức tạp thêm. Góp ý với Bộ Quốc phòng và Ban Bí thư về những đối sách nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền biển đảo, ổn định tình hình. Tham gia chính kiến để giải tán các hội hoạt động trái phép trên địa bàn như “Câu lạc bộ Hồ Chí Minh”, “Hội hỗ trợ Người có công”…
Với những đóng góp tích cực, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ba); Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Vì Thế hệ trẻ; Huy chương Vì sự nghiệp nhân đạo; Huy chương Vì sự nghiệp phụ nữ; Huy chương Vì sự nghiệp công đoàn.
Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị; từ năm 2016-2021 được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng 3 Bằng khen; UBND thành phố tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2019; Hội Cựu chiến binh thành phố tặng 3 Bằng khen của Thành hội và nhiều giấy khen của UBND quận và phường. Năm 2020, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
2. PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội (SN 1943)
PGS.TS Bùi Thị An |
Trong quá trình công tác, PGS.TS Bùi Thị An đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (nay là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam); Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ Khoa học thành phố Hà Nội.
Với cương vị là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016), bà đã phát huy hết khả năng của mình, đóng góp nhiều ý kiến với HĐND thành phố Hà Nội, Quốc hội tại các phiên họp.
Năm 2003, bà về hưu nhưng vẫn tham gia chủ trì và thực hiện nhiều đề tài, dự án về tài nguyên, môi trường đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường nước các hồ ở Hà Nội.
Từ năm 2002 đến nay, bà đã tham gia 29 đề tài, dự án, trong đó có 20 đề tài, dự án được triển khai ở Hà Nội. Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, bà đã và đang tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho thành phố về nhiều lĩnh vực (những vấn đề nóng và được xã hội quan tâm như: Tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề tự cháy của các xe cơ giới; vấn đề về ma túy học đường, nhận diện và các biện pháp phòng ngừa...).
Thành tích đạt được: Huy chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ; Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố (năm 2016); 3 Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố (năm 2017, 2021, 2022); 3 Bằng khen Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (năm 2016, 2018, 2019); Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 2020, được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen về thành tích trong hoạt động của Hội đồng tư vấn của UBND thành phố Hà Nội.
3. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (thế danh Vũ Đức Chính), Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam (SN 1952)
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu |
Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các tăng, ni, phật tử của Thủ đô quyên góp ủng hộ Quỹ vắc-xin, tặng quà và trang thiết bị y tế cho những khu cách ly, những BV dã chiến phòng, chống dịch bệnh…
Bản thân trực tiếp cùng tăng, ni tham gia nhiều chương trình an sinh, từ thiện xã hội tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước như: Thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở một số BV, trao tặng nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, liệt sĩ, người già neo đơn...
Với những đóng góp cho cộng đồng, Hòa thượng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Năm 2010 được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa; Năm 2011, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Năm 2015, được tặng thưởng Kỷ niệm chương của Ban Dân vận Trung ương; Năm 2017, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Năm 2007, 2019, 2020, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Năm 2021, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Năm 2022, được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.
4. Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (SN 1974)
Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa |
Trong suốt 24 năm công tác liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, ông đã trải qua các nhiều vị trí công tác: Bác sĩ điều trị, Phó Trưởng khoa, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Phụ trách Phòng khám HIV/AIDS; Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Công đoàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện, Chủ nhiệm Chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội. Từ tháng 3/2021 đến nay, ông được giao nhiệm vụ là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện…
Trong công tác phòng, chống dịch, ông đã đề xuất, tham mưu kịp thời cho Sở Y tế Hà Nội về chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tham gia tập huấn, chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới triển khai thực hiện tốt công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn, góp phần cho việc khống chế thành công các bệnh dịch nguy hiểm như: Dịch tả (2007, 2008), cúm A/H1N1 (2009), dịch sởi (2014), dịch sốt xuất huyết (2017) và đặc biệt dịch bệnh Covid-19…
Ông đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế để thành lập các cơ sở thu dung điều trị người nhiễm Covid-19 và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã xung phong nhận nhiệm vụ triển khai Cơ sở thu dung đầu tiên tại khu nhà tái định cư Đền Lừ III.
Về công tác phòng, chống HIV/AIDS, bản thân ông cũng là người tham gia điều trị trực tiếp cho người bệnh nhiễm HIV/AIDS, tham gia hội chẩn các ca bệnh khó.
Ngoài công tác chuyên môn và chỉ đạo điều hành, TS.BS Phạm Bá Hiền còn tham gia giảng dạy bộ môn Quản lý bệnh viện Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội, bộ môn Truyền nhiễm của Trường Đại học Y khoa Hà Nội, có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Với những đóng góp tích cực trong ngành Y tế, TS.BS Phạm Bá Hiền đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Bộ Y tế trao tặng “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác y tế phục vụ Đại hội lần thứ X của Đảng” năm 2006; Bằng khen UBND thành phố Hà Nội trao tặng năm 2016, năm 2019; Bằng khen UBND thành phố Hà Nội “Đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (Covid-19) trên địa bàn thành phố Hà Nội” năm 2020; Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2020; Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong phòng, chống dịch Covid-19” năm 2021.
5. Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (SN 1971)
Bà Đặng Thị Cuối giới thiệu về hệ thống tiêu diệt côn trùng khi bay vào vườn rau |
Là người dám nghĩ, dám làm, bà Đặng Thị Cuối đã mạnh dạn đầu tư thuê đất và thực hiện dự án rau hữu cơ công nghệ cao tại khu bãi Tổng màu, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.
Hiện nay, trang trại của gia đình bà có tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ. Sản lượng hằng năm đạt từ 50 đến 80 tấn rau - củ - quả các loại, doanh thu hằng năm đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận, thu nhập bình quân hằng năm đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Hỗ trợ tạo công việc cho 25 lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng và 40 đến 60 lao động thời vụ có nguồn thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã được thành phố cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, bà còn tích cực phối hợp với Hội Nông dân hướng dẫn, phổ biến kiến thức kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hàng trăm lao động gồm các hộ trong xã và ngoài địa phương đến tham quan học tập, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho một số hộ ở các tỉnh có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ.
Bà tham gia các hoạt động, các phong trào của Hội Nông dân, nhận và hỗ trợ giúp đỡ 8 hộ cận nghèo, hộ khó khăn về vốn, việc làm cây giống với số tiền trên 200 triệu đồng/năm. Đến nay, một số hộ đã thoát cận nghèo và ổn định phát triển đời sống; tham gia kết nối hỗ trợ nông sản và ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19: tiêu thụ giúp hội viên 8 tấn đu đủ, 7 tấn rau, củ, quả, ủng hộ 2 tạ rau củ các loại cho bếp ăn hỗ trợ lực lượng trực chốt.
Ghi nhận những đóng góp trên, bà đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen năm 2017; Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2018; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen năm 2020. Bà là đại biểu điển hình dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” toàn quốc. Đạt danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020.
6. Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie (SN 1949)
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie cùng các em học sinh |
Nguyên là giảng viên dạy môn Vật lý cho khối phổ thông chuyên lý Đại học Tổng hợp. Sau khi nghỉ chế độ, ông đã sáng lập Hệ thống giáo dục Marie Curie, gồm cấp Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT) với 3 cơ sở tại Hà Nội.
Quá trình công tác, ông đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong quản lý dạy và học. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, trình độ chuyên môn của giáo viên, rèn kỹ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Nhờ đó, chất lượng của học sinh ngày càng được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng đạt 100%, chất lượng mũi nhọn đạt kết quả đột phá. Đã có hàng chục nghìn học sinh tốt nghiệp THCS và THPT từ ngôi trường Marie Curie, góp phần không nhỏ vào phát triển sự nghiệp giáo dục của Thủ đô Hà Nội.
Phối hợp với nhà trường tích cực tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo, đặc biệt thời gian dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã trao 1.050 phần quà cứu trợ (trị giá 525 triệu đồng) cho 1.050 nhân khẩu trên địa bàn phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm.
Ngoài công tác giáo dục - đào tạo, ông còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1992 đến nay (từ khóa V đến khóa IX). Được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” và Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
7. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng (Quang Phùng), Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (SN 1932)
Từng làm việc tại Ủy ban quốc tế về giám sát và kiểm soát tại Việt Nam, sau đó về công tác tại Đại sứ quán Nhật với vai trò là giảng viên về phong tục tập quán, lịch sử Việt Nam cho Đại sứ Nhật Bản. Năm 1970, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Quang Phùng về làm việc tại Bộ Ngoại giao.
Hơn 60 năm gắn bó với nghề nhiếp ảnh, NSNA Quang Phùng là người lưu giữ nhiều bức ảnh về Hà Nội với nhiều bộ ảnh nổi tiếng: Bộ đội vào tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954, Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sau này là các phóng sự ảnh về nữ tài tử điện ảnh Jane Fonda khi bà thăm Hà Nội vào năm 1972, hay tháng 12/1972, ông cũng là người chụp nhiều bức ảnh quý về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô…
Một Hà Nội thời bình với cuốn sách ảnh “Dạo quanh hồ Gươm”, in song ngữ Việt - Anh, tập hợp gần 100 bức ảnh chọn lọc; bộ ảnh “Hà Nội, 36 phố phường” với 5.000 ảnh chọn lọc trong 20 năm; “Ma túy tuổi học trò” với 1.000 ảnh chọn lọc trong 10 năm; “Hàng rong Hà Nội” với 5.000 ảnh chọn lọc trong 15 năm; “Nghị quyết Đảng đi vào đời sống” với 500 ảnh chọn lọc trong 7 năm... Năm 1993, ông nghỉ hưu nhưng vẫn cống hiến miệt mài trong lĩnh vực nhiếp ảnh và dạy học đến hiện nay. Ngoài nhiếp ảnh nghệ thuật - nhiếp ảnh báo chí, ông còn là dịch giả văn học, tác phẩm dịch nổi tiếng nhất: “Con đường sấm sét” - 1960.
Với những thành tích trên ông đã được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013); Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc (năm 1995); Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam (năm 1996); Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 1999); Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam (năm 2002), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội 1991-1995; Giải nhất Liên hoan Ảnh Việt Nam lần thứ XVI năm 1990…
8. VĐV Đinh Phương Thành, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (SN 1995)
VĐV Đinh Phương Thành, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội |
Tham gia tập môn thể dục dụng cụ từ năm 2000 (5 tuổi), được cử đi tập huấn dài hạn tại Trung Quốc. Năm 2014, Phương Thành tham gia thi đấu tại đấu trường Asian Games 17 được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc. Anh đã thành công khi giành về tấm Huy chương đồng (HCĐ) đầu tiên trong sự nghiệp.
Năm 2015, Đinh Phương Thành tiếp tục để lại dấu ấn lớn với thành tích 4 Huy chương vàng (HCV) tại SEA Games 28 diễn ra ở Singapore. Trong đó có 3 HCV cá nhân thuộc nội dung xà đơn, xà kép và toàn năng cùng 1 HCV nội dung đồng đội.
Tại Giải World Challenge Cup ART, anh cũng thành công mang về một HCV. Đến năm 2017, Phương Thành tiếp tục giành 2 HCV tại kỳ SEA Games 29. Trong năm 2020, Phương Thành xuất sắc giành được suất tham dự Olympic Tokyo.
Tại SEA Games 31, Đinh Phương Thành đạt thành tích 3 HCV và 1 HCĐ. Trong đó, có 2 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội. Anh là VĐV Việt Nam đầu tiên giành được chức vô địch ở nội dung toàn năng đấu trường khu vực.
Với những đóng góp cho ngành thể thao, VĐV Đinh Phương Thành 3 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2015, 2019, 2022).
9. Ông Nguyễn Ngọc Hoài, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam (SN 1996)
Là công nhân giỏi có trình độ tay nghề cao, với nhiệm vụ chính là vận hành máy và gia công cơ khí chính xác, ông Nguyễn Ngọc Hoài đã có nhiều sáng kiến, cải tiến giúp tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Trong đó, sáng kiến chế tạo đồ gá "Bàn máy phụ" để gia công linh kiện kích thước lớn và linh kiện biên dạng đặc biệt giúp tiết kiệm thời gian và công sức, tăng hiệu suất sử dụng máy phay để gia công thêm nhiều linh kiện khác giúp giảm chi phí 529 triệu đồng/năm. Sáng kiến chế tạo đồ gá để xung hàng loạt linh kiện khuôn thay vì xung đơn chiếc giúp giảm thời gian và chi phí gia công linh kiện, có thể nhận gia công thêm nhiều linh kiện khác nữa giúp giảm chi phí cho công ty 1,96 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, ông còn tham gia là chuyên viên cơ khí phụ trách hướng dẫn cho nhiều công nhân viên tham gia các cuộc thi tay nghề.
Cá nhân ông đã đạt nhiều giải thi tay nghề quốc gia và thành phố: Năm 2018, đạt chứng chỉ nghề Tiện quốc gia bậc 2; năm 2019, đạt giải Nhất nghề Tiện vạn năng cấp thành phố Hà Nội; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố; năm 2018, 2019 đạt Giấy khen “Công nhân giỏi” của Ban Chấp hành Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; năm 2020, đạt giải Nhất nghề Tiện vạn năng khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Giấy khen của Ban Chấp hành Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; năm 2021, đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô; Chứng chỉ nghề Tiện vạn năng cấp quốc gia.
10. Trung tá Phạm Như Trường, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội (SN 1979)
Gần 22 năm công tác từ cán bộ chiến sĩ, Đội phó rồi Đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, Trung tá Phạm Như Trường luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể từ năm 2017-2021, Trung tá Phạm Như Trường đã tham mưu đưa vào mới 98 điểm, loại 100 điểm ra khỏi diện phức tạp về tệ nạn ma túy. Trực tiếp chỉ đạo cán bộ chiến sĩ đội 3 trong năm 2017 đến 2021 đã lập mới 102 hồ sơ sưu tra, 81 hồ sơ hiềm nghi, khám phá 28 chuyên án, bắt giữ 130 vụ, 256 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, bắt 7 đối tượng truy nã.
Cá nhân Trung tá Phạm Như Trường đã trực tiếp chỉ đạo khám phá 7 vụ án lớn đạt kết quả cao, bắt giữ nhiều đối tượng với vật chứng thu giữ hàng trăm bánh heroin và ma túy tổng hợp các loại, nhiều phương tiện dùng để trao đổi, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.
Năm 2016, với cương vị Phó Đội trưởng Đội 3, Phòng PC04, Trung tá Phạm Như Trường đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong Đội triệt xóa “boogke” phức tạp về ma túy tại xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, bắt giữ 1 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, trong quá trình tổ chức bắt giữ đối tượng, anh đã trực tiếp đột nhập qua tường rào dây thép gai cao 3m nhảy xuống để khống chế bắt giữ đối tượng, quá trình khống chế bắt giữ đối tượng thì bị thương và được Bộ Công an công nhận là Thương binh hạng A.
Đơn vị do Trung tá Phạm Như Trường phụ trách liên tục đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng; được Chủ tịch nước tặng thưởng 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, được Bộ Công an, UBND thành phố và Giám đốc Công an thành phố tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Trung tá Phạm Như Trường đã được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Liên tục từ năm 2016-2021 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Năm 2015, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng 2 Bằng khen; Năm 2016, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an Nhân dân, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội; Năm 2017, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; Bằng khen UBND thành phố Hà Nội; Năm 2018, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen UBND thành phố Hà Nội; Năm 2019, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an Nhân dân, Bằng khen Bộ trưởng Bộ Công an; Năm 2020, Bằng khen Bộ trưởng Bộ Công an; Năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.
Danh sách 2 tập thể, 2 cá nhân đề nghị xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích đóng góp trong công tác tổ chức, chỉ đạo và điều hành, tạo nên thành công chung của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games) gồm: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội; 2 cá nhân đề nghị xét tặng là ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội. |
Tôn vinh phẩm chất người Hà Nội, Thủ đô anh hùng | |
Top 10 công dân thủ đô ưu tú: Người thầy truyền lửa đam mê Toán học | |
Hà Nội: Vinh danh 9 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2021 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại