Chủ nhật 15/09/2024 11:44

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Vị tướng trong công cuộc chống tham nhũng, diệt “giặc nội xâm”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Qua nhiều cương vị công tác và nhất là giữ trọng trách người đứng đầu Đảng ta gần 3 nhiệm kỳ (khóa XI, XII, XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng luôn hết sức chăm lo nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, để Đảng luôn xứng đáng với vai trò lãnh đạo, cầm quyền Nhà nước và xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị tướng trong công cuộc chống tham nhũng, diệt “giặc nội xâm”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Thanh Hương

Tấm gương sáng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Tuy nhiên, trong thời gian dài, tham nhũng, tiêu cực ở nước ta diễn biến vô cùng phức tạp, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, dẫn tới vi phạm tham nhũng, tiêu cực… gây bất bình, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ. Các thế lực thù địch lợi dụng chống phá vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng với Nhà nước, Nhân dân ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xấu hình ảnh đất nước, giảm sự tin tưởng, nản lòng bạn bè quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài hợp tác, làm ăn với Việt Nam…

Trước thực trạng đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hơn ai hết nhận rõ sâu sắc thách thức nếu không quyết liệt ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, làm cho Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu trong giai đoạn mới thì đây chính là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ ta.

Vì vậy, không lâu sau khi nhận trọng trách Tổng Bí thư Đảng khóa XI (nhiệm kỳ 2011-2016 từ 2/2013) với trách nhiệm chính trị cao, tư duy sắc sảo về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư đã đề xuất Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương quyết định tái thành lập Ban Nội chính Trung ương (cùng Ban Kinh tế Trung ương), giao Ban Nội chính Trung ương có chức năng thường trực nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, khắc phục được sự phân công bất hợp lý trước đó.

Tiếp đó, theo Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Ban chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ra đời, đích thân Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Cùng với việc đưa Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng nhanh chóng đi vào hoạt động, Tổng Bí thư đã chỉ đạo sát sao việc sửa đổi, bổ sung hệ thống quy định, pháp luật, cơ chế về phòng chống tham nhũng, kê khai tài sản, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan chức năng Đảng và Chính quyền Nhà nước, sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc cùng hệ thống chính trị với tinh thần đúng vai, đúng việc.

Về tổ chức Đảng, Tổng Bí thư chỉ đạo sát sao việc ban hành văn bản Chỉ thị, Quy định làm rõ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, đảng viên trong đó có sửa đổi, bổ sung quy định những điều đảng viên không được làm trong đó có những nội dung chủ đích phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, đảng viên.

Với đội ngũ cán bộ các cơ quan chống tham nhũng, Tổng Bí thư luôn lưu ý giữ gìn đạo đức, liêm chính, trong sạch, có dũng khí chống tham nhũng với phương châm “Nếu ai vi phạm tham nhũng, tiêu cực sẽ xử trước”. Tổng Bí thư rất quan tâm chỉ đạo sự phối hợp công tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật cần chặt chẽ, nhịp nhàng, tránh “cua cậy càng, cá cậy vây”, làm “đúng vai”, không lấn sân nhau, hoặc chần chừ, né tránh vụ khó, những vụ án lớn cần đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng theo dõi để thúc đẩy điều tra, xử lý nhanh, chặt chẽ. Tổng Bí thư cũng đưa ra tính nguyên tắc: “Bất cứ người nào vi phạm tham nhũng, vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, xử lý người vi phạm chú ý đảm bảo tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật, đồng thời có tính giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh phòng ngừa làm chính, “xử một người, cứu muôn người”, đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dũng cảm đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Tổng Bí thư chỉ đạo việc xử lý cán bộ sai phạm phải đảm bảo đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự.

Với sự chỉ đạo của Tổng bí thư, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lập, bước đầu đã phát huy hiệu quả đúng tinh thần "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!", tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, việc này cũng làm cơ sở đánh giá trách nhiệm, năng lực tổ chức phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng của cấp ủy, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, ngành, đúng tinh thần công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ của toàn Đảng, mọi cấp, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành “phong trào, thành xu thế không ai có thể đứng ngoài cuộc, không thể đảo ngược”.

Tổng Bí thư cũng có nhiều câu nói sâu sắc, rất ấn tượng khêu gợi lòng tự trọng danh dự, liêm sỉ với cán bộ, đảng viên gắn liền với tu dưỡng đạo đức, nhân cách và “Học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” được đảng viên, Nhân dân tâm đắc.

Đó là: “Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng; giáo dục tinh thần trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”; “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”; “Đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ”; “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”; “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái, tuyển dụng người nhà, người thiếu, không đủ tiêu chuẩn”…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - “Vị tướng” trong lòng dân

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, Tổng Bí thư rất tôn trọng lắng nghe tâm tư, kiến nghị của Nhân dân thông qua đi thăm cơ sở và tiếp xúc cử tri. Là đại biểu Quốc hội Hà Nội, mỗi lần họp tiếp xúc cử tri Thủ đô, nghe các cử tri nêu, đề xuất những vấn đề bức xúc về công tác cán bộ, tệ nạn tham nhũng, tiến độ công tác điều tra, xử lý… Tổng Bí thư rất chăm chú lắng nghe và khi phát biểu, ông cám ơn các cử tri đã rất có trách nhiệm với Đảng, với Nhà nước và thường có câu kết rằng: “Chống tham nhũng sẽ làm không ngừng, không nghỉ, đạt được một số thành công không được thỏa mãn, trái lại càng quyết liệt hơn, tới đây sẽ đưa ra xét xử những vụ án lớn, bà con cứ chờ xem” và sau đó không lâu là khởi tố vụ án, công bố cáo trạng người vi phạm rất rõ ràng, thuyết phục. Qua đó, thể hiện niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước về quyết tâm, hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Vị tướng trong công cuộc chống tham nhũng, diệt “giặc nội xâm”
Đại tá, cựu chiến binh Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm của người đảng viên trong thời kỳ mới. Ảnh: NVCC

Trong hơn 3 năm của nhiệm kỳ XIII, với hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý kỷ luật, pháp luật, một số cán bộ chủ chốt thôi chức vụ vì trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc là Đảng ta đấu đá nội bộ, bè phái, Tổng Bí thư thẳng thắn nói: “Nội bộ ta có sai thì ta sửa, xử đúng, nghiêm càng làm cho tổ chức Đảng trong sạch, mạnh lên” thể hiện sự bình tĩnh, tự tin, kẻ xấu không thể lợi dụng, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước ta”.

Để lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư đúc kết nguyên tắc: “Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ hệ trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp phải rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo”. Mô hình này được vận dụng ở cấp tỉnh và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả, chính là cống hiến lớn của Tổng bí thư trong chỉ đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhận rõ tham nhũng là “khuyết tật của quyền lực”, chế độ nào cũng có, Tổng Bí thư đã nêu, hướng phòng ngừa, đó là mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, đồng thời phải hoàn thiện cơ chế, làm tốt việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chắc chắn công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ.

Với 55 năm tận tâm, tận lực cống hiến cho Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiệt xuất, đạo đức cách mạng trong sáng của Đảng ta, dân tộc ta trong thời đại cách mạng mới đã đi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị tiền bối của Đảng, nhưng những di sản về lý luận và thực tiễn xây dựng XHCN Việt Nam, về xây dựng, chấn hưng nền Văn hóa Việt Nam, nâng cao vị thế Ngoại giao cây tre Việt Nam, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đặc biệt về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực của đồng chí sẽ là cẩm nang, chỉ dẫn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi khát vọng hoài bão cao đẹp của đồng chí.

Với sự đoàn kết, thống nhất trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương và toàn Đảng, sự gương mẫu trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, sự ủng hộ, giám sát của hệ thống chính trị, Nhân dân, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta nhất định sẽ đạt những thành công mới rạng rỡ hơn.

Xin thành kính vĩnh biệt người “sĩ phu Bắc Hà”!

Đại tá, đảng viên Trịnh Thanh Phi

(Đảng viên 56 năm tuổi Đảng, CCB phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa còn là dân tộc còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa còn là dân tộc còn
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội đã có nhiều bứt phá trong phát triển văn hóa Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội đã có nhiều bứt phá trong phát triển văn hóa
Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân và tuổi trẻ Thủ đô Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân và tuổi trẻ Thủ đô
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động