Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là bạn tri kỷ mà còn là người thân…
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bên trái ngoài cùng), ông Ngô Bá Dục (giữa) cùng bạn học. Ảnh: Đ.C |
Ký ức về người bạn cũ
Những ngày này, không khí ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, trầm mặc, yên lặng. Người đi, người đến đông đúc hơn, thế nhưng như động đến một cảm xúc chung, người ta ít nói, ít cười. Có những người nghẹn ngào, rưng rưng hướng ánh mắt đến ngôi nhà nơi Tổng Bí thư đã lớn lên.
Người dưng đã thế, với ông Ngô Bá Dục (SN 1943, Lại Đà, Đông Anh) những kỷ niệm của người bạn từ thời thơ ấu càng như hiển hiện đâu đây. Không còn hồn nhiên như thời thơ ấu, mỗi người ở một cương vị mới, nhưng tình bạn cùng những kỷ niệm thiếu thời chưa từng phai mờ trong ông. Kể cả với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông tin thế.
Nhẩn nha lật từng tấm ảnh thời thơ ấu, ông Ngô Bá Dục kể, ông và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học cùng lớp với nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Khi lên đại học, Tổng Bí thư đỗ Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), còn ông Dục theo học ngành sư phạm. Dù học khác trường, nhưng hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè khăng khít.
Ông bảo, ngày xưa, trong làng chỉ có mấy anh em đi học cấp 1 ở đình làng do một cụ giáo già mở. Lên cấp 2, mấy anh em cùng trọ học ở một gia đình ở bên mạn Gia Lâm.
Thời đó, việc đi học rất gian nan, vất vả, ông Ngô Bá Dục cho biết. Lúc ấy gia đình nào đâu có khá giả, người nhà chỉ cho gạo, còn tiền tiêu mấy cậu thanh niên phải tự lo. Thế là mới cấp 3, nhưng Tổng Bí thư đã cùng bạn vừa học vừa làm để kiếm tiền.
“Học buổi sáng, buổi chiều tôi và anh Trọng lại vào Khu công nghiệp Đức Giang để dạy bổ túc cho công nhân để kiếm tiền. Lúc đó, tôi một lớp, anh Trọng 1 lớp, được đồng nào tiết kiệm chút ấy” - ông Ngô Bá Dục kể.
“Tính anh Trọng cẩn thận, chu đáo, văn hay, chữ đẹp, học khá các môn Văn, Sử, Địa…”, ông Ngô Bá Dục nói thêm.
Ông Ngô Bá Dục cho biết, Tổng Bí thư không những giỏi những môn xã hội lại viết chữ rất đẹp. Ở lớp, hai người bạn cùng nhau làm các số báo tường. Sau này, mỗi dịp khi họp lớp, thầy cô, bạn bè vẫn nhắc đến những bài báo tường đó với ấn tượng sâu sắc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp chung với các bạn. |
Học hành, làm lụng vất vả, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất chăm chỉ, nỗ lực, kiên trì được các thầy cô, bạn bè quý mến vì luôn đạt thành tích nổi bật của lớp.
Cũng theo lời ông Ngô Bá Dục, Tổng Bí thư là người mẫu mực, cần mẫn, hiền lành, có cảm tình của mọi người. Thời đi học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn được thầy giáo đưa tác phẩm văn học để đọc mẫu và thuyết trình lại cho các bạn.
Theo ông Ngô Bá Dục, thế hệ ông đọc rất nhiều chuyện tiểu thuyết kinh điển của các nước trên thế giới như “Thép đã tôi thế đấy”, “Chiến tranh và hòa bình”… dày hàng nghìn trang nhưng vẫn đọc đi đọc lại. Tổng Bí thư Trọng đọc rất nhiều, đọc với tinh thần nghiên cứu, để đi sâu vào văn chương.
Học hết cấp 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp, còn ông Dục đỗ Đại học Sư phạm, làm giáo viên.
“Chúng tôi đi hai con đường riêng, nhưng mỗi lần ông Trọng về quê, cả hai vẫn gặp nhau. Nhóm của tôi có một ban liên lạc, thường tổ chức hội họp và thăm nhau”, ông Ngô Bá Dục kể.
Ông Ngô Bá Dục cùng con dâu đi lại trên khoảnh sân kỷ niệm, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với người bạn cùng làng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đ.C |
Gần gũi với nhân dân
Vì anh em thân thiết với nhau, nên trong đám cưới của ông vào năm 1970, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một người bạn khác đã xuống nhà trang trí và làm phòng cưới cho ông. Đám cưới nhỏ tổ chức giản dị trong khoảng sân trước nhà. Đây cũng là căn nhà đã nuôi giấu một số cán bộ Đảng hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám.
Do giai đoạn khó khăn chung của cả nước, đến 6h tối mới có điện, mọi người bắt đầu liên hoan. Gọi là cỗ cưới nhưng chỉ có vài món đơn giản, đậm chất thôn quê chứ không có sơn hào hải vị gì. “Anh Trọng là người rất chu đáo, khéo tay nên được tin tưởng cắt chữ trong đám cưới. Anh em đến giúp nhau trong không khí cảm động, ấm áp, gần gũi…”, ông chầm chậm kể.
Ông Ngô Bá Dục cho biết, khi công tác, dù giữ các chức vụ quan trọng, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ mối quan hệ tốt với bạn bè. Nhiều sự kiện họp lớp, chia tay thầy cô, Tổng Bí thư luôn có mặt, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng.
Có lần, dù đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn bắt xe ôm từ phố Đặng Tất ra nhà nổi Hồ Tây, khiến ai cũng bất ngờ. Lần khác, có thầy giáo cũ từ Quy Nhơn (Bình Định) ra Bắc. Các học trò cũ thống nhất tổ chức liên hoan tiễn thầy. Không phải hội trường rộng lớn, thầy trò liên hoan trong căn nhà nhỏ, chỉ vừa một chiếc giường và khoảng trống dưới sàn nhà. Khi xếp mâm, chỉ có 5 người lớn tuổi, trong đó có ông Dục, được ngồi với thầy trên giường, còn anh em trẻ hơn ngồi phía dưới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đến sớm và vui vẻ cùng thầy và các bạn.
Ông Ngô Bá Dục nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là bạn tri kỷ mà còn là người thân của ông. Dù công việc mỗi người khác nhau không có thời gian gặp gỡ nhưng mỗi khi gặp lại, họ đều ôn rất nhiều chuyện cũ.
Năm 2000, mẹ ông Ngô Bá Dục mất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm viếng, chia buồn cùng gia đình. Tổng Bí thư rất ân cần, chu đáo hỏi thăm. Anh em, bạn bè có việc, ông đều giúp đỡ rất nhiệt tình
Chậm một lúc mới nói “Khi nghe tin bạn ra đi, tôi rất đau lòng bởi anh ấy ra đi đột ngột quá…”, ông Ngô Bá Dục nghẹn lại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà ngoại giao xuất sắc mang tầm vóc quốc tế | |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hiện thân của truyền thống "ngoại giao tâm công" |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại