Thứ hai 25/11/2024 19:39

Tổ trưởng tổ hòa giải thành công nhờ phương châm “mưa dầm thấm lâu”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với sự tâm huyết, kiên trì trong công tác hòa giải, cô Nguyễn Thị Tố Nga (SN 1964) - tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 6 (phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội) đã nhiều lần hòa giải thành công các vụ mâu thuẫn tại địa phương góp phần mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người.

Cô Nga sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bố đẻ và bố chồng cô đều là liệt sĩ có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô Nga theo học nghề may, chăm chỉ tăng gia sản xuất giúp gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn của thời kỳ bao cấp.

Năm 2006, cô Nga được bầu làm ủy viên BCH phụ nữ tổ 6, tổ trưởng liên gia của tổ 6. Năm 2007, cô đảm nhận vị trí trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố 6, tổ trưởng tổ hòa giải tổ 6, Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ tổ 6. Ở vị trí công tác nào cô Nga cũng đều hoàn thành xuất sắc công việc, được các cấp, ban ngành, nhân dân địa phương hết lòng tin tưởng, yêu mến.

13 năm gắn bó với công tác hòa giải, chưa lần nào cô Nga chịu “bó tay” trước những mâu thuẫn của người dân. Cô chia sẻ mỗi mâu thuẫn đều xuất phát từ nguyên do của nó nên cô luôn tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. Cùng với đó là lắng nghe tâm tư tình cảm từ các phía để hòa giải thành công.

to truong to hoa giai thanh cong nho phuong cham mua dam tham lau
Cô Nguyễn Thị Tố Nga là tấm gương sáng về công tác hòa giải, thiện nguyện. Ảnh: NVCC

Năm 2019, một đôi vợ chồng trẻ của tổ 6 xảy ra cãi vã, xô xát, người vợ có ý định dẫn theo con cái về nhà bố mẹ đẻ. Hôm đó đúng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán. Nhận được cuộc điện thoại thông báo về sự việc, cô Nga cùng tổ hòa giải có mặt ngay lập tức. Thấy người vợ xách vani đồ đạc ra cổng chờ taxi, cô Nga chạy ra hô tài xế: “Taxi đi đi, cô này không đi nữa đâu”. Người vợ chưa kịp cất tiếng thì cô Nga nhanh tay kéo cô gái này cùng đồ đạc vào nhà khuyên giải. Cô gái khóc lóc kể lại chuyện người chồng chè chén say xỉn rồi về trách móc, cãi vã với vợ. Thấy vậy, cô Nga khuyên người vợ nên bình tĩnh đợi chồng tỉnh rượu rồi nói chuyện cho rõ ngọn ngành. Cô Nga ở lại trò chuyện với gia đình đôi vợ chồng này để không khí bớt căng thẳng cũng là để chờ người chồng tỉnh rượu rồi sẽ có lời phân giải. Người chồng tỉnh rượu, được cô Nga phân tích, chia sẻ đã nhận ra lỗi lầm của mình và hứa sửa sai. Anh cũng cảm ơn tổ hòa giải đã kịp thời giải quyết, khuyên nhủ để vợ chồng anh làm hòa. Từ đó, gia đình họ trở nên yên ấm hơn trước. Sau này, hễ gặp cô Nga ở đâu, người chồng trong vụ việc này lại “chắp tay” cảm ơn và bảo: “Nếu không có các cô thì chúng cháu chắc tan đàn xẻ nghé mất”. Cô Nga chia sẻ: “Với mỗi vụ việc, ở mỗi mức độ khác nhau chúng tôi sẽ có những cách hòa giải khác nhau nhưng chung quy đều phải nhanh gọn bởi sự mâu thuẫn để càng lâu sẽ càng nghiêm trọng và khó hàn gắn. Chúng tôi dùng sự mềm mỏng, chân thành để “đánh” vào tâm tư tình cảm của những người trong cuộc. Dù sắt đá như thế nào thì chỉ cần “mưa dầm thấm lâu” việc hòa giải sẽ thành công. Ai cũng muốn bản thân được lắng nghe, tôn trọng và sự việc trở nên tốt đẹp nhất cho đôi bên nên mọi người chỉ cần nhường nhịn nhau một chút là mọi thứ sẽ êm đẹp”.

Không chỉ thành công trong công tác hòa giải, Cô Nga còn có nhiều đóng góp vào sự thành công trong công tác thiện nguyện của địa phương. Với cương vị là chi hội trưởng chi hội Chữ thập đỏ tổ 6, cô Nga đã nhiều lần gương mẫu đi đầu, kêu gọi mọi người ủng hộ các chương trình thiện nguyện như hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, đồng bào miền Trung gặp lũ lụt,…Hầu hết chương trình thiện nguyện của tổ dân phố số 6 đều đạt hiệu quả tốt, góp phần phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc.

Trong quá trình công tác, cô Nga luôn hết mình với những công việc của địa phương, đồng thời sắp xếp vẹn toàn công việc gia đình. Cô luôn nhận được sự ủng hộ, động viên của chồng và các con, các cháu. Họ chính là hậu phương vững chắc giúp cô yên tâm công tác. Gắn bó với công tác hòa giải, chữ thập đỏ, cô Nga càng cảm thấy thêm yêu và trân trọng những công việc mình làm bởi đó chính là sợi chỉ đỏ gắn kết sự yêu thương không chỉ của những người thân trong gia đình mà còn giúp tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít, chan hòa, giúp mọi người sống có trách nhiệm, biết chia sẻ hơn.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động