Thứ sáu 26/04/2024 01:56
Vụ ngạt khí khiến 4 người tử vong ở Phú Thọ:

Tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong trường hợp xác định được có lỗi do người sử dụng lao động không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn lao động thì một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan có chức năng quản lý, giám sát trên địa bàn xảy ra vụ việc.
Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường vụ việc
Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường vụ việc

Nạn nhân có được bồi thường?

Liên quan đến sự cố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong quá trình lao động khiến 4 người tử vong và một người bị thương tại Cty TNHH Deasang Việt Nam, ngày 19/7, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Công văn số 2747/UBND-KGVX, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu CA tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm, gây ra sự cố trên.

Trước đó, khoảng 17h30 ngày 18/7, quá trình dọn bể chứa phân lỏng của Cty TNHH Deasang, thuộc tổ 3, khu Sông Thao, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, ông Trần Văn Thắm, SN 1963, trú tại phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và ông Dương Văn Sau, SN 1984, trú huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xuống bể chứa phân lỏng trước để dọn dẹp vệ sinh thì có biểu hiện bị ngạt khí và hô hoán.

Nghe tiếng kêu cứu, 3 công nhân thuộc bộ phận lò hơi là: ông Vũ Sao Huỳnh, SN 1984, trú tại phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, ông Nguyễn Trung Kiên, SN 1987, trú xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, ông Lê Hùng Vinh, SN 1980, trú phường Thọ Sơn, TP Việt Trì đang làm việc gần đó đã đến và nhảy xuống ứng cứu. Tuy nhiên, cả 5 người đều bị ngạt khí, ngất đi.

Hiện lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ đang phong tỏa, bảo vệ hiện trường và điều tra, làm rõ vụ việc.

Trước sự việc nêu trên, dư luận lại một lần nữa phải đặt ra câu hỏi tại sao các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh mỗi năm đều được kiểm tra về an toàn lao động nhưng tai nạn vẫn xảy ra, trách nhiệm trong các vụ việc thuộc về ai? Nạn nhân có được bồi thường không và mức bồi thường được xác định như thế nào?

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Do đó, nếu các cơ quan chức năng xác định được những nạn nhân trong vụ nổ lò hơi thuộc trường hợp tai nạn lao động thì theo quy định tại Điều 38 Luật này, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường đối với người lao động bị tai nạn lao động dù cho lỗi thuộc về bên nào.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ có trách nhiệm trợ cấp tùy theo đối tượng được quy định. Trong trường hợp xác định được có lỗi do người sử dụng lao động không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn lao động thì một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan có chức năng quản lý, giám sát trên địa bàn xảy ra vụ việc.

Ngoài ra, luật sư Thái cũng cho biết, theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 phải có kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến yếu tố lỗi, mức độ suy giảm khả năng lao động, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động mới xác định chính xác được mức bồi thường.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

(i) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

(ii) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Luật sư Thái cho biết thêm, đối với những trường hợp để xảy ra vi phạm an toàn lao động phải được các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 295 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”.

Theo đó, tùy thuộc vào mức độ và hậu quả của hành vi thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Sự cố nghiêm trọng tại Công ty Miwon Việt Nam khiến 4 người tử vong
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động