Thứ bảy 12/10/2024 16:55

Tình người nơi Trại phong Đá Bạc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đã gần ba thập kỷ trôi qua từ năm 1995, khi Việt Nam đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế Thế giới, Trại phong Đá Bạc giờ đây chỉ còn những bệnh nhân phong ngày ngày “bám rễ” nơi đất đá hoang vu.
Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Căn buồng của bệnh nhân phong trước kia

Trại phong Đá Bạc nằm giữa những ngọn đồi heo hút của xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trại được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi bệnh phong còn bị người dân coi là một trong “tứ chứng nan y”, một căn bệnh phải đối mặt với sự xa lánh của gia đình cũng như cộng đồng. Trải qua hơn nửa thế kỷ, trại phong giờ đây chỉ còn lại những mảnh đời bị lãng quên cùng với công trình kiến trúc đã dần xuống cấp theo thời gian. Giữa trại phong hoang vu, hẻo lánh tưởng như đã bị bỏ hoang ấy lại tồn tại những mảnh đời “bị lãng quên”, bám trụ lại với trại phong cho đến những hơi thở cuối cùng.

Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Những dãy nhà cũ nơi các bệnh nhân phong sinh sống giờ đã xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm

Hơn nửa đời người đã qua đi - bà Sợi, một trong những người đầu tiên đặt chân đến Trại phong kể lại, bà đến đây từ năm 1967, đến nay đã gần 56 năm. Ngày còn trẻ, bà tham gia thanh niên xung phong đi đào mương thủy lợi nhưng bỗng một ngày tay chân tê khác thường, nhúng vào nước nóng không có cảm giác gì. Ở tuổi 17, khi còn là một cô gái đang trong độ tuổi tươi đẹp nhất, bà chết lặng khi phát hiện mình mắc căn bệnh vô phương cứu chữa.

Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Bà Sợi ngồi kể chuyện cho đoàn sinh viên tình nguyện

"Lúc nghe mình bị bệnh phong tôi chỉ biết khóc. Hồi ấy, ở quê tôi cứ ai mắc căn bệnh này đều bị mọi người xa lánh. Gia đình tôi đã cho tôi ngủ dưới bếp, ăn riêng bát đũa. Tôi nén chịu những cơn đau nhức, đi làm ruộng như những người bình thường để che giấu căn bệnh quái ác. Thế rồi dần dần những ngón chân, ngón tay tôi cứ phồng rộp lên teo đi, dân làng cũng biết chuyện, người ta gọi tôi là hủi. Mọi người thấy mình liền vội vàng xa lánh", bà Sợi nhớ lại.

Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Khoảnh khắc bà Sợi nhớ lại chuyện xưa

56 năm đã qua đi, trong ký ức của bà chỉ còn những vết sẹo tâm hồn do bị xa lánh, kỳ thị bởi chính gia đình và dân làng. Giờ đây, khi gắn bó với Trại phong Đá Bạc đã hơn 50 năm, bà coi mảnh đất này như quê hương, là ngôi là thứ hai của mình. Dù đã có rất nhiều bệnh nhân được gia đình đón về do xã hội không còn kỳ thị những người bị bệnh phong, tuy nhiên bà chia sẻ bà sẽ tiếp tục sống ở đây cho đến cuối đời để chăm lo cho phần mộ của những người bạn, những bệnh nhân từng ở trại phong, khi mất được chôn cất trên những ngọn đồi.

Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Bà Sợi hái rau để chuẩn bị cho bữa tối

Trong ánh chiều muộn, những vệt nắng heo hắt cuối ngày chiếu lên bức tường của dãy nhà điều trị nhuốm màu rêu phong cũ kỹ, bà Sợi loay hoay ra vườn hái vài ngọn rau bí để nấu bữa tối. Bữa cơm đơn giản chỉ vài món đậu, rau, muối vừng rồi có khi là con tôm, miếng cá của người dân bên làng mang sang biếu.

Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Bà Sợi vẫn duy trì vườn rau nhỏ của mình như một cách để cuộc sống bớt cô đơn

Nằm cách xa khu dân cư, cuộc sống của những bệnh nhân phong cũng tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Tận dụng mảnh vườn trong trại, bà Sợi trồng đủ các loại rau, khoai, sắn thậm chí là cây xoài, cây đu đủ vừa để tự cung cấp vừa để cuộc sống bận rộn hơn. “Mình già rồi, ăn uống có quan trọng gì đâu, cả vườn rau, khoai sắn ngoài kia làm cũng để cho vui, giết thời gian ấy mà”, bà Sợi nói.

Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Căn buồng nhỏ đơn sơ, cũ kỹ của các bệnh nhân phong

Cùng có hoàn cảnh éo le, bà Liên mồ côi cha mẹ khi mới 10 tuổi, cả tuổi thơ của bà là những tháng ngày lam lũ sống nhờ nhà chú họ. Khi được phát hiện mình mắc bệnh phong, bà được đưa lên Trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh) điều trị, cũng từ đó bà mất liên lạc với họ hàng. Số phận đưa đẩy, ở Trại phong Quả Cảm, bà kết hôn với một người đàn ông cùng trại và sinh một cậu con trai. Mặc dù vậy, cuộc hôn nhân của hai số phận cùng cảnh ngộ cũng buồn tẻ, ảm đạm như chính cuộc đời họ. Kết hôn rồi sinh con, dưới những áp lực và sự kỳ thị, xa lánh từ cộng đồng, bà và chồng đã phải gửi đứa con trai nhỏ mới lên 7 tuổi của mình đi làm con nuôi. Mãi đến sau này, bà mới được trở về Sóc Sơn hội ngộ với chồng và gắn bó với Trại phong Đá Bạc từ đó tới nay.

Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Bà Liên dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy vẫn tự duy trì cuộc sống hằng ngày

Không còn trợ cấp, những cụ ông, cụ bà đang ở tuổi thất thập rơi vào cảnh túng thiếu nghèo đói, những vết thương của bệnh tật vẫn đeo bám, những đôi chân, đôi tay không còn lành lặn càng khiến việc sinh hoạt trở nên khó khăn hơn, thế nhưng họ vẫn có nhau lúc ốm đau, vui buồn tuổi già. Cuộc sống ở đây chủ yếu tự cung tự cấp, người trồng rau, người nuôi gà, cứ thế các cụ cải thiện bữa ăn hằng ngày. Không người thân, không người trông nom chăm sóc, cũng không có sự quan tâm, các cụ chỉ có thể nương tựa tuổi già lẫn nhau mà sống qua ngày.

Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Đoàn sinh viên tình nguyện lên thăm và giúp đỡ các bệnh nhân
Tình người nơi Trại phong Đá Bạc
Đoàn sinh viên tình nguyện lên thăm và giúp đỡ các bệnh nhân

Niềm vui nho nhỏ của các cụ đó chính là có người đến thăm hàng ngày để được trò chuyện. Cứ mỗi khi có người lên thăm là các cụ lại vui lắm, đặc biệt là các đoàn thiện nguyện và các nhóm sinh viên tình nguyện.

Chàng trai có “trái tim ấm” với phong trào thiện nguyện
Kiều Tú
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động