Tình huống pháp lý vụ tàu hỏa va chạm với ô tô khiến 5 người thương vong ở Đồng Nai
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn đường sắt khiến 5 người thương vong ở Đồng Nai (Ảnh: Minh Tuệ) |
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và xe ô tô bán tải khiến 2 người chết, 3 người bị thương ở Đồng Nai, ngày 29/7, Phòng thanh tra An toàn III (Cục Đường sắt Việt Nam) đã xác định nguyên nhân ban đầu.
Theo báo cáo, nguyên nhân tai nạn được xác định lỗi nhiều là do người lái xe ô tô không tuân thủ theo biển cảnh báo “Chú ý tàu hỏa”. Một phần nguyên nhân là do trách nhiệm của địa phương đã không quyết liệt trong việc thực hiện theo Quyết định 358 của Thủ tướng về việc xóa bỏ lối đi tự mở trên địa bàn quản lý.
Trước đó, khoảng 20h40 ngày 28/7, tàu hỏa SNT5 do lái tàu Đ.H.H. (33 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) điều khiển lưu thông theo hướng Bắc - Nam (TP Long Khánh đi TP Biên Hòa), khi đi tới vị trí đường ngang Km1696 + 458 (giao cắt giữa đường sắt và đường Phạm Văn Thuận) thì va chạm với xe bán tải mang biển số 60C- 597.05 do ông Võ Văn Kh. điều khiển đi từ đường hẻm ra (không có rào chắn, thuộc phường Tân Tiến).
Tai nạn khiến ôtô văng sang vỉa hè, va chạm vào công nhân đang dọn rác, làm người này tử vong tại chỗ. Một bé trai trên xe rơi xuống đường, không qua khỏi. Ba người còn lại trên xe ô tô bán tải được người dân đưa đi cấp cứu. Phần đầu ôtô bán tải biến dạng, nhiều mảnh vỡ của xe văng xa khiến một số người đi bộ gần đó hoảng sợ.
Khu vực tai nạn có gác chắn ở hai đầu đường Phạm Văn Thuận và hẻm vào chợ dân sinh phường Thống Nhất ngay cạnh đường sắt. Hướng xe ô tô di chuyển từ đường dân sinh song song với đường sắt đi theo hướng ra đường Phạm Văn Thuận không có gác chắn. Theo một số người chứng kiến, khi tàu hỏa sắp tới, nhân viên trực chốt đã hạ barie, thổi còi báo hiệu, nhưng ôtô vẫn chạy vào.
Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội viện dẫn, tại Điều 25, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định quyền ưu tiên tại nơi đường sắt giao cắt đường bộ. Cụ thể, nơi giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn. Khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
Còn tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn, chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua. Nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại, giữ khoảng cách tối thiểu 5m tính từ ray gần nhất, chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, theo các quy định nêu trên, tại nơi đường bộ giao nhau cùng với đường sắt, quyền ưu tiên sẽ thuộc về phương tiện giao thông đường sắt. Do đó người đi đường phải quan sát, tuân thủ theo các tín hiệu… để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc khi lưu thông qua các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.
Đối với vụ tai nạn ở TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, tài xế xe bán tải cho xe lao từ hẻm ra, do thiếu quan sát, không chú ý nên đã dẫn đến xảy ra tai nạn. Như vậy tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Theo đó, tài xế có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm; hoặc phạt tù từ 3 - 10 năm (khung thứ 2); hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm (khung thứ 3).
Về trách nhiệm dân sự, tài xế phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự cho các nạn nhân và gia đình của họ, bao gồm chi phí y tế, tổn thất về tinh thần.
Bên cạnh đó, thời điểm tàu hỏa đến nhưng nhân viên gác chắn chưa kéo 1 barie trên đường Phạm Văn Thuận xuống vì đang vướng xe rác. Đối với việc này cũng cần xem xét nhân viên gác chắn đã thực hiện đủ các biện pháp bảo đảm an toàn khác hay chưa, bao gồm cảnh báo bằng tín hiệu âm thanh hoặc ánh sáng.
“Tuy nhiên trách nhiệm của nhân viên gác chắn sẽ dựa trên đánh giá cụ thể về các yếu tố liên quan và các biện pháp bảo đảm an toàn mà họ đã triển khai. Nếu hành vi của nhân viên gác chắn bị cơ quan chức năng xác định là vi phạm quy định về an toàn giao thông, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Đinh Thị Nguyên phân tích.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại