Tình huống pháp lý vụ nghịch tử đánh bố ruột tử vong
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNguyễn Văn Long, nghi phạm sát hại bố ruột tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an Bắc Giang |
Sát hại bố ruột
CA tỉnh Bắc Giang cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự đang tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Long (SN 1991, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP Hà Nội) về hành vi giết người để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, vào hồi 2h30 ngày 23/11, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Bắc Giang tiếp nhận tin báo của CA huyện Lục Nam về việc: khoảng 0h30 cùng ngày, tại thôn Triệu, xã Đan Hội, huyện Lục Nam, Nguyễn Văn Long phát hiện bố đẻ là ông Nguyễn V.Ph (SN 1969) chết tại góc sân nhà, trên người có nhiều vết bầm tím.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự đã triển khai lực lượng, chủ trì, phối hợp với CA huyện Lục Nam và các đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và tổ chức điều tra, xác minh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, hồi 10h cùng ngày đã đấu tranh làm rõ, vận động đối tượng Nguyễn Văn Long đầu thú về hành vi giết người.
Kết quả điều tra xác định, đối tượng Nguyễn Văn Long hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Chiều ngày 22/11, Long về quê tại thôn Triệu, xã Đan Hội, huyện Lục Nam, để thăm ông Ph. Buổi tối, Long và ông Ph mời một số người thân đến nhà ăn cơm, uống rượu, sau đó cùng sang nhà ông Ng.V.T (SN 1971) ở cùng thôn để hát karaoke và tiếp tục uống bia. Đến khoảng 22h30 cùng ngày, Long lái xe ô tô chở ông Ph về nhà, trên đường về giữa hai người xảy ra mâu thuẫn nên Long dùng tay đánh liên tiếp vào vùng đầu, ngực, bụng và tay ông Ph. Khi về đến nhà, Long tiếp tục đánh ông Ph dẫn đến tử vong. Sau đó, đối tượng đi trình báo cảnh sát về việc phát hiện ông Ph chết ở góc sân nhà.
Làm rõ hành vi của đối tượng
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu của hành vi giết người nên CQĐT sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường và lấy lời khai của nghi phạm để xác định nguyên nhân sự việc, xác định nguyên nhân nạn nhân tử vong và diễn biến hành vi của nghi phạm gây án.
Đặc biệt, CQĐT sẽ làm rõ khả năng nhận thức, ý thức chủ quan của nghi phạm khi thực hiện hành vi dùng dao sát hại bố đẻ của mình. Thông thường chỉ có những đối tượng mắc bệnh tâm thần, nghiện ma túy bị ảo giác mới dễ dàng thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật như vậy.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy nghi phạm thực hiện hành vi do bị ảo giác vì sử dụng trái phép chất ma túy hoặc do mâu thuẫn, nghi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ và giết người mà đối tượng có nghĩa vụ chăm sóc. Với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nếu bị chứng minh có tội, nghi phạm thực hiện hành vi giết bố đẻ của mình có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội “Giết người” là phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, trường hợp kết quả xác minh cho thấy nghi phạm mắc bệnh tâm thần, làm mất khả năng nhận thức khi thực hiện hành vi sẽ không bị xử lý hình sự nhưng bắt buộc bị đưa đi chữa bệnh. Còn trường hợp nghi phạm thực hiện hành vi do tác động bởi chất ma túy, sẽ làm rõ việc sử dụng ma túy như thế nào? Nếu có hành vi tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoặc mua bán trái phép chất ma túy, đối tượng cũng sẽ xử lý hình sự về tội phạm ma túy theo quy định của pháp luật.
Hành vi tội ác tích tụ, bị tác động từ nhiều yếu tố
Nhìn nhận về các vụ việc sát hại người thân trong gia đình, thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu cho rằng, nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh ý định phạm tội, thúc đẩy đối tượng ra tay sát hại người thân rất có thể là do những bức xúc tâm lý bị dồn nén, tích tụ từ lâu trong cuộc sống thường ngày, có thể do bị kích động tâm lý hoặc cơn nóng giận bộc phát. “Khi mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm mà không có cách tháo gỡ khiến đối tượng càng thấy bế tắc, chán nản... vượt quá giới hạn của sức chịu đựng thì việc xuống tay tàn bạo với người thân của mình giống như một sự giải phóng những năng lượng tiêu cực” - TS. Đào Trung Hiếu phân tích.
TS. Đào Trung Hiếu cũng cho biết thêm, ngoài những mâu thuẫn trong đời sống, còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc này là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của chính đối tượng gây án. Đây chính là thủ phạm giấu mặt, đứng sau chi phối ý định phạm tội và kế hoạch cũng như quyết tâm thực hiện tội phạm.
“Khi họ tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, có lối sống hưởng thụ, chỉ biết mình và hoàn toàn vô cảm với đúng sai sẽ sẵn sàng bất chấp luật pháp hay đạo lý miễn là bảo đảm được lợi ích của mình... Đến khi lợi ích của bản thân bị xâm hại hay không đạt được là sự tức giận trỗi dậy dẫn tới án mạng” - TS. Đào Trung Hiếu chia sẻ.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, TS. Đào Trung Hiếu cho rằng, cơ quan chức năng cần phải chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình. Bởi, đây là biện pháp cần được ưu tiên và thực hiện có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu, mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội...
Gây thương tích cho bạn học sẽ bị xử lý như thế nào? | |
Tình huống pháp lý vụ dùng thuốc sâu đầu độc gia đình hàng xóm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại