Phụ nữ Thủ đô hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhụ nữ Thủ đô tổ chức đội hình đạp xe hưởng ứng "Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (1/12). Ảnh: Thu Hồng |
Trong “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (1/12), Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội (LHPN) đã tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng.
Ngày 30/11, tại trụ sở Hội LHPN quận Đống Đa đơn vị đăng cai tổ chức Chương trình Truyền thông của Hội LHPN TP Hà Nội đã tổ chức đội hình đạp xe lưu động, tuyên truyền trực tiếp trên các tuyến phố. Từ điểm xuất phát phố Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học - Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phụ nữ Thủ đô thể hiện quyết tâm chung tay cùng Hà Nội và đất nước trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030,
Tại buổi lễ phát động hưởng ứng "Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (1/12)", bà Trần Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban thường vụ Hội LHPN TP Hà Nội, Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa cho biết: “Năm 2024, chủ đề được Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS lựa chọn cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS là: “Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”. Theo đó, nhấn mạnh: Lấy nhân quyền làm trung tâm, kết hợp với sự tham gia của cộng đồng, thế giới có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030”.
Hưởng ứng thông điệp này, Việt Nam đã chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Với chủ đề này, Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, độ tuổi, xuất thân hay hoàn cảnh kinh tế, đều có quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Đây không chỉ là hành động hỗ trợ những người nhiễm HIV mà còn là nỗ lực giảm thiểu sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng. Tuy nhiên, một số rào cản vẫn đang tồn tại trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, chủ yếu do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính. Với chủ đề năm nay đã thể hiện quyết tâm cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP, trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ Thủ đô đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương tham mưu hỗ trợ hội viên, phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận tốt nhất với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ninh - Phó Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS - Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đưa ra các thông tin hữu ích về phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con cho gần 200 hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: Thu Hồng |
Đợt truyền thông năm 2024 là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa kêu gọi sự chung tay của phụ nữ Thủ đô nỗ lực tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tiếp nhận hiệu quả hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ; xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Trong khuôn khổ chương trình truyền thông, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức Hội nghị Tập huấn kiến thức về kỹ năng về phòng chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bác sĩ Nguyễn Thị Ninh - Phó Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS - Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã tuyên truyền những thông tin hữu ích về phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng thời cập nhật những thông tin mới nhất về phòng, chống HIV/AIDS cho gần 200 hội viên, phụ nữ trên địa bàn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại