Tình huống pháp lý vụ con lấy trộm tiền của bố
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Tuấn tại CQCA |
CA huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đình Tuấn, SN 2002, trú tại xã Xuân Khang, huyện Như Thanh để điều tra, làm rõ tội "Trộm cắp tài sản". Trước đó, ngày 2/3, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh huyện Như Thanh nhận được phản ánh của khách hàng N.Đ.M., trú tại xã Xuân Khang về việc bị kẻ gian chiếm đoạt số tiền 140 triệu đồng trong tài khoản.
Ông M. cho rằng để xảy ra sự việc trên là do hệ thống bảo mật của ngân hàng không tốt, hoặc có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng để kẻ xấu chiếm đoạt tài sản của ông. Mặc dù ngân hàng đã giải thích rất kỹ và đề nghị ông kiểm tra lại các mối quan hệ gia đình xem có ai chiếm đoạt số tiền, tuy nhiên ông M. không tin mà đòi ngân hàng phải đền bù số tiền trên.
Qua thời quá trình điều tra, CA huyện Như Thanh xác định, số tiền trong tài khoản của ông M. đã được chuyển qua một số tài khoản game có địa chỉ ở huyện Hoài Đức, Hà Nội và ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Xác định đây là loại tội phạm sử dụng công nghệ cao nên sau nhiều ngày kiên trì, phối hợp lần theo các đầu mối, CA huyện Như Thanh đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ kết luận Nguyễn Đình Tuấn, con trai ông M. là nghi phạm trộm 140 triệu đồng.
Tại CQCA, bước đầu Nguyễn Đình Tuấn, là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội khai nhận, trong thời gian nghỉ chống dịch Covid-19 ở nhà, Tuấn biết đến trò chơi game đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet nên đã lợi dụng sự sơ hở của ông M. lấy mật khẩu rồi chuyển 140 triệu đồng vào 2 tài khoản để tham gia đánh bạc. Trộm tiền của bố xong, Tuấn đã xóa hết dấu vết khiến ông M. không biết vì sao mất tiền nên đã tới ngân hàng phản ánh.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, với kết quả xác minh ban đầu dựa trên tài liệu mà ngân hàng cung cấp, nội dung về việc chuyển khoản vào tài khoản nhận tiền, lời khai của nam sinh viên, CQĐT khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.
Theo luật sư Nguyên, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân, hành vi lén lút lấy tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác là hành vi trộm cắp tài sản, đây là hành vi chuyển quyền sở hữu tài sản trái pháp luật từ chủ sở hữu tài sản sang người khác. Hành vi chuyển quyền sở hữu tài sản trái pháp luật, không đúng ý chí của chủ sở hữu xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân.
Bởi vậy, bất kể mối quan hệ giữa nạn nhân và đối tượng gây án là quan hệ ruột thịt hay chỉ là mối quan hệ xã hội, hành vi chuyển quyền sở hữu tài sản lén lút, không có sự đồng ý của chủ sở hữu cũng là hành vi trộm cắp tài sản. Như vậy, nếu kết thúc quá trình điều tra, nam sinh viên vẫn bị truy tố về tội danh nêu trên và với số tiền chiếm đoạt là 140 triệu đồng, đối tượng này sẽ có thể phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo quy định tại điểm C, khoản 2, Điều 173, BLHS năm 2015.
Ngoài ra, luật sư Nguyên còn cho biết, trong quá trình điều tra vụ án này, CQĐT cũng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, truy thu số tiền mà bị can đã chiếm đoạt của nạn nhân, đồng thời làm rõ hành vi chơi game online có phải là hành vi đánh bạc trái phép trên mạng internet hay không. Nếu có căn cứ cho thấy có đối tượng đã tổ chức đánh bạc, tổ chức sát phạt ăn thua bằng tiền, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố vụ án hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc” và tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 321 và Điều 322, BLHS. Trong đó, có thể nam sinh viên này sẽ bị khởi tố thêm một tội danh nữa là tội “Đánh bạc”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại