Thứ tư 01/05/2024 14:30

Tình cờ phát hiện bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp khi nhập viện điều trị viêm phổi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh nhân 36 tuổi nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh điều trị viêm phổi với các triệu chứng sốt cao, ho nhiều, đau ngực, khó thở. Sau khi chụp CT lồng ngực, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối phổi biệt lập kích thước lớn ở đáy phổi trái.
Tình cờ phát hiện bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp khi nhập viện điều trị viêm phổi
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật nội soi cắt phổi biệt lập cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo đó, cách đây vài ngày, bệnh nhân là N.T.N (36 tuổi, ở phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả) sốt cao liên tục, ho nhiều, đau ngực, khó thở. Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tuyến dưới không tiến triển nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Qua chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ phát hiện hình ảnh khối phổi biệt lập kích thước lớn ở đáy phổi trái có động mạch nuôi xuất phát từ động mạch chủ ngực. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định cắt phổi biệt lập qua nội soi lồng ngực.

Để có thể thực hiện cuộc mổ nội soi lồng ngực thuận lợi, các bác sĩ thực hiện kỹ thuật gây mê nội khí quản 2 nòng carlens nhằm phân lập thông khí hai phổi riêng biệt để đảm bảo bệnh nhân hô hấp tốt, ổn định trong suốt cuộc mổ diễn ra. Bên cạnh đó, các bác sĩ gây mê phối hợp chặt chẽ với phẫu thuật viên để hạ huyết áp chủ động, giúp phẫu thuật viên bóc tách phổi biệt lập ra khỏi mạch máu nuôi an toàn, thuận lợi.

Kíp mổ khoa Ngoại do BSCKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa phụ trách cùng các cộng sự phối hợp với BSCKI Nguyễn Trung Đức, khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Qua các đường rạch nhỏ trên thành ngực, phẫu thuật viên đưa camera nội soi cùng dụng cụ phẫu thuật vào khoang ngực, khéo léo bóc tách riêng từng động mạch nuôi lớn từ động mạch chủ ngực, thực hiện cắt bằng dụng cụ khâu nối mạch máu. Sau đó toàn bộ khối phổi biệt lập được tách rời khỏi thuỳ phổi trái bằng dụng cụ khâu cắt chuyên biệt. Kiểm tra thông khí sau cắt thấy phổi lành giãn nở tốt, không rò khí. Ca mổ thành công sau hơn 1 tiếng phẫu thuật.

Sau mổ, bệnh nhân phục hồi tích cực được rút ống thở ngay, tự thở tốt và hồi phục nhanh.

BSCKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, bệnh nhân N có khối phổi biệt lập chiếm gần hết thùy dưới phổi trái, kích thước lớn (15x15cm). Phổi phụ này gây chèn ép và kích thích, viêm dính phổi lành lân cận dẫn đến bệnh nhân dễ bị viêm phổi tái phát khó khỏi. Phổi phụ to nên mạch máu nuôi cũng lớn, áp lực máu cao, do gần tim nên các bác sĩ đã rất cẩn trọng khi phẫu tích phổi biệt lập ra khỏi nhánh mạch này, bởi người bệnh có thể mất máu ồ ạt ngay trên bàn mổ, đe dọa tử vong cao.

Phổi biệt lập là một bất thường bẩm sinh, chiếm tỉ lệ khoảng 2% trong số các bệnh lý phổi bẩm sinh. Thùy phổi này không có chức năng hô hấp do không có sự trao đổi oxy với động mạch phổi và khí phế quản, được cấp máu riêng bởi mạch máu xuất phát từ động mạch chủ ngực hoặc động mạch chủ bụng, do vậy tổ chức phổi biệt lập giàu các mạch máu sẽ có áp lực cao và dễ gây chảy máu trong phổi.

Triệu chứng của bệnh nhân có khối phổi biệt lập là viêm đường hô hấp, đau ngực, sốt, ho từng đợt do phổi biệt lập gây kích thích viêm dính tổ chức phổi lân cận. Vì triệu chứng không đặc hiệu nên rất dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác (viêm phổi tái diễn, u phổi, kén phế quản…).

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, khi có các triệu chứng sốt cao kéo dài, ho nhiều, đau tức ngực, khó thở… thì cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về hô hấp, lồng ngực để được chẩn đoán, điều trị. Khi đã phát hiện phổi biệt lập cần điều trị sớm để tránh nhiễm khuẩn, gây tổn thương đến vùng phổi lành.

Phẫu thuật thành công ca bệnh phổi biệt lập trong phổi hiếm gặp
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động