Thứ ba 26/11/2024 21:09

Tiếp tục mắc bẫy lừa đảo: nhiều người thờ ơ với an nguy của mình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù những thủ đoạn lừa đảo liên tục được các phương tiện đại chúng, các cơ quan chức năng cảnh báo… Mặc dù người dân có thể thấy ở mọi nơi, từ các bảng tin tổ dân phố, sảnh chung cư, cầu thang máy đến các tin nhắn cảnh báo của các cơ quan, ban ngành liên quan… Nhưng vẫn như chưa từng biết, nhiều người dân vẫn dễ dàng mắc bẫy lừa đảo bởi những chiêu trò... "xưa như trái đất".
Tiếp tục mắc bẫy lừa đảo: nhiều người thờ ơ với an nguy của mình
Các trang giả mạo luật sư hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa. Ảnh: Công an TP Hà Nội

Dễ dàng mắc bẫy lừa đảo bởi chiêu trò cũ

Mới đây, Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là hơn 1 tỷ đồng. Theo đó, vào ngày 17/1/2024, bà T (SN 1965, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà T có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn Zalo.

Sau đó bà nhìn thấy một người mặc trang phục Công an trong Video call yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Bà T đã chuyển 1,4 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.

Trước đó, cơ quan Công an TP Hà Nội tiếp nhận trình báo chị L (SN 1981, trú tại Ba Đình, Hà Nội). Theo trình báo của nạn nhân, chị L bị lừa đảo số tiền 200 triệu đồng sau đó lên mạng xã hội tìm hiểu thấy có trang Facebook quảng cáo Công ty Luật giúp thu hồi tiền lừa đảo.

Khi chị L hỏi “luật sư giả” cách thu hồi tiền bị lừa thì được các đối tượng thông báo phải đóng phí. Do nóng lòng muốn lấy lại tiền, chị L đã nhờ các “luật sư giả” hỗ trợ nên tiếp tục bị lừa thêm 125 triệu đồng. Sau đó nạn nhân đã đến Công an phường Giảng Võ, quận Ba Đình trình báo sự việc.

Việc lừa làm luật sư để thu hồi tiền lừa đảo không phải chiêu thức mới, cũng như chiêu thức lừa đảo là Công an, cán bộ VKS… cũng là chiêu trò “xưa như trái đất”. Không chỉ các phương tiên thông tin đại chúng liên tục tuyên truyền cảnh báo, ghi nhận sự nỗ lực của lực lượng Công an cơ sở cũng như sự phối hợp của mỗi người dân, tổ khu phố.

Sự nỗ lực của lực lượng chức năng trong công tác triệt phá các đường dây lừa đảo

Đồng thời, cùng với những hình thức tuyên truyền, lực lượng chức năng cũng liên tiếp thành lập chuyên án để đấu tranh với hình thức tội phạm này.

Tiếp tục mắc bẫy lừa đảo: nhiều người thờ ơ với an nguy của mình
Các nghi phạm trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp

Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố, các huyện có liên quan vừa phá thành công chuyên án đấu tranh với băng nhóm đối tượng người Việt Nam đang làm việc tại Campuchia lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền hơn 200 tỷ đồng, bước đầu bắt giữ 32 đối tượng.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan Công an xác định, các đối tượng trong đường dây trên là băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức làm việc cho các công ty nước ngoài vì một mục đích chung là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam.

Quá trình đấu tranh, Cơ quan Công an xác định Tăng Quảng Vinh (SN 1989), trú tại phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành cấu kết với các đối tượng người Nghệ An và các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức cho các đối tượng người Việt Nam hoạt động phạm tội trong các công ty tại nước ngoài.

Theo đó, các đối tượng người Việt Nam hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty nước ngoài được tổ chức thành 03 tuyến gồm D1, D2, D3.

Trong đó, D1 là các đối tượng sẽ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan chức năng có nhiệm vụ gọi cho những người dân theo danh sách đã soạn sẵn thông báo tới "con mồi" việc bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì nạn nhân đang liên quan tới các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.

Khi bị hại đã tin tưởng vào kịch bản, các đối tượng D1 sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho D2.

D2 là những đối tượng xưng là Đại úy A - Cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an (hoặc đơn vị khác phù hợp), thông báo cho bị hại rằng giấy tờ tùy thân của ông/bà đang bị tội phạm lợi dụng phạm tội... (phù hợp với nội dung cuộc gọi của D1), yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại.

Khi bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu bị hại khai báo hiện dùng tài khoản ngân hàng gì, các tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) hiện có để cơ quan chức năng xác minh, nếu không phải bị hại tiếp tay cho tội phạm sẽ trả lại.

Sau khi bị hại cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu… các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây). Trên cơ sở đó, D3 yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại.

Tiếp đó, các đối tượng D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.

Toàn bộ quá trình liên hệ với bị hại, các đối tượng luôn yêu cầu bị hại ở không gian độc lập, kín đáo, không được cho ai khác biết sự việc, thường xuyên giữ liên lạc để dễ dàng thao túng tâm lý bị hại.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo trên hoạt động rất tinh vi, có tổ chức, hàng ngày trong cuộc họp các đối tượng chia sẻ kinh nghiệm lừa đảo, những cách nói chuyện, câu nói, từ ngữ nói với bị hại để đạt hiệu quả cao hơn.

Quá trình theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức nắng đã triệt phá thành công chuyên án, đồng loạt khám xét, bắt giữ 32 đối tượng trong đường dây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu giữ nhiều tang vật có liên quan.

Tiếp đó, Công an tỉnh Gia Lai vừa triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với hoạt động lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với hàng chục đối tượng ở trong và ngoài nước cấu kết với nhau thông qua thủ đoạn gài bẫy nhận quà, ngoại tệ, giấy tờ từ nước ngoài gửi về Việt Nam.

Bằng thủ đoạn trên, nhóm đối tượng đã lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt số tiền gần 100 tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước. Đây là đường dây lừa đảo có "chân rết" ở nhiều quốc gia châu Á.

Các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo nhiều nạn nhân ở các nước như Nhật Bản, Philippines, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam… Số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.

Nhiều người rất thờ ơ với an nguy của mình

Theo nhận định của chuyên gia, thời gian qua, phong trào chuyển đổi số rầm rộ đưa nhiều hoạt động thường nhật lên môi trường mạng, mua sắm trực tuyến bùng nổ, cùng với sự phổ biến của thanh toán không dùng tiền mặt... trong khi ý thức và kiến thức bảo mật của phần đông người dùng còn hạn chế, là nguyên nhân khiến tội phạm lừa đảo liên tục nhắm đến người dùng Việt Nam.

Các thiết bị di động là kho tàng nơi chứa các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội mà chúng ta sử dụng. Trong khi đó, tội phạm mạng cũng đang ẩn nấp trên các nền tảng này, chờ đợi con mồi rơi vào bẫy.

Theo TS. Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an, nạn nhân luôn có vai trò quan trọng trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện trong cả 3 khâu làm phát sinh ý định phạm tội; kế hoạch hóa việc thực hiện tội phạm và thực hiện tội phạm trên thực tế.

“Qua thực tiễn công tác điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, chúng tôi thấy nạn nhân thường có “lỗi” như chủ quan, thiếu hiểu biết, thiếu ý thức cảnh giác. Mặc dù chỉ cần lên mạng xem tình hình thời sự an ninh, đọc các khuyến cáo cảnh báo của cơ quan chức năng hay chuyên gia… là người dân đã có thể tránh được việc trở thành con mồi của tội phạm, nhưng nhiều người rất thờ ơ với an nguy của mình. Tôi có cảm giác là nhiều người nghĩ tội phạm là thứ xảy ra ở đâu đó, với ai đó chứ không phải đối với mình. Nói theo chữ của Nhà văn Nam Cao là “chắc nó chừa mình ra” – ông Hiếu nêu.

Và theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, một nguyên nhân khác đó là rất nhiều người không có các kĩ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Cụ thể là họ rất dễ dãi chấp nhận kết bạn trên mạng xã hội, không có tư duy phản biện và dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, có nhiều người vì không hiểu biết, về các quy trình quy tắc làm việc của cơ quan nhà nước mà bị lừa.

“Mọi người cần biết tất cả các cơ quan pháp luật không bao giờ gọi điện trao đổi với người dân về công việc, càng không có chuyện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản mang tên cá nhân hay tổ chức nào đó. Khi cần làm việc, các cơ quan này sẽ có giấy mời, hay giấy triệu tập mời người dân đến trụ sở cơ quan làm việc” – theo Thượng tá Đào Trung Hiếu.

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, các kĩ năng sử dụng mạng xã hội, mạng Internet an toàn là đặc biệt quan trọng: “theo tôi, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật tình hình tội phạm và các vấn đề thời sự; nghiên cứu các cảnh báo từ cơ quan chức năng được gửi đến công chúng thông qua báo chí, truyền thông. Khi thường xuyên cập nhật như vậy, người dân sẽ biết trước những thủ đoạn phạm tội để chủ động phòng tránh.”

Khi người sử dụng mạng xã hội nắm được các kĩ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội an toàn thì đó chính là vắc-xin, là bức tường lửa bảo vệ túi tiền của họ trước đòn tấn công của tội phạm.

Một người đàn ông ở Hà Nội mất hơn 3 tỷ đồng khi làm cộng tác viên online Một người đàn ông ở Hà Nội mất hơn 3 tỷ đồng khi làm cộng tác viên online
Người phụ nữ ở Hà Nội sập bẫy cuộc gọi giả mạo Công an, bị mất hơn 1 tỷ đồng Người phụ nữ ở Hà Nội sập bẫy cuộc gọi giả mạo Công an, bị mất hơn 1 tỷ đồng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động