Tiếp cận khán giả trẻ qua sân khấu học đường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVở diễn “Cánh diều làng Vũ Đại” (Nhà hát Chèo Hà Nội) được dàn dựng công phu hướng đến đối tượng học sinh. Ảnh Nhà hát Chèo Hà Nội. |
Mới đây, Nhà hát Chèo Hà Nội đã có màn chào sân ấn tượng khi ra mắt vở chèo “Cánh diều làng Vũ Đại”. Vở diễn phỏng dựng tác phẩm Chí Phèo nổi tiếng của nhà văn Nam Cao được soạn giả Mai Văn Sinh chuyển thể chèo, NSƯT Lê Tuấn làm đạo diễn. Vở diễn khai thác chất bi và hài mang đậm dấu ấn chèo Hà Nội. Diện mạo của anh Chí, Thị Nở từ sách giáo khoa bước lên sân khấu dung dị, gần gũi, tạo cảm xúc mới mẻ cho người xem. Điều này lý giải những đêm diễn “cháy vé” vào mỗi dịp cuối tuần.
Theo NSƯT Thu Huyền, Phó GĐ phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội, “Cánh diều làng Vũ Đại” là vở diễn trọng điểm của Nhà hát Chèo Hà Nội năm 2023, tham gia Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030”.
Sức hút từ các tác phẩm văn học đã truyền cảm hứng sáng tạo cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu Thủ đô. Nhà hát Kịch Hà Nội đang tập luyện vở “Tinh thần thể dục”, tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, do NSND Trung Hiếu viết kịch bản và đạo diễn. Từng tạo dấu ấn trong việc chuyển thể tác phẩm văn học “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” lấy cảm hứng từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, vở diễn “Tinh thần thể dục” được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành công trước đó, đưa tác phẩm đến trường học trong năm học mới.
Nhà hát Múa rối Thăng Long hiện đang triển khai hai vở từ truyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh để phục vụ các trường học; Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội có kế hoạch dàn dựng và phục dựng nhiều vở diễn lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học trong sách giáo khoa.
Nhiều năm nay, sân khấu Lệ Ngọc được biết đến là địa chỉ quen thuộc của nhiều khán giả Hà Nội khi là đơn vị đi đầu trong việc phỏng dựng các tác phẩm văn học lên sân khấu. Từ vở diễn “Thị Nở - Chí Phèo” lấy cảm hứng tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, vở “Vang bóng một thời” ghép nối giữa ba truyện ngắn trong tập truyện cùng tên, vừa tạo chiều sâu, vừa làm nổi bật tính kịch trong “Chữ người tử tù” đến các vở diễn dành riêng cho đối tượng thiếu nhi là vở “Dế mèn”, vở “Tấm Cám”, vở diễn “Cây tre trăm đốt”. Các vở diễn phỏng dựng các tích truyện được đánh giá chỉn chu, phù hợp với khán giả học sinh.
Sự khởi sắc của các tác phẩm văn học lên sân khấu là “chìa khóa” thu hút khán giả đến rạp. Theo tiến độ thực hiện, các Nhà hát sẽ phỏng dựng 51 vở diễn trong 70 tác phẩm văn học đặc sắc thuộc chương trình giáo dục phổ thông, tổ chức từ 1.800 đến 2.000 buổi biểu diễn trong các trường học. Thông qua các buổi biểu diễn, định hướng tiếp cận khán giả trẻ, qua đó phát hiện tài năng nghệ thuật sân khấu tương lai.
Trước đây, mỗi tiết Ngữ văn học sinh tiếp thu kiến thức thụ động từ bài giảng của giáo viên đưa ra yêu cầu phân tích chi tiết nội dung từng tác phẩm, chỉ ra nét đặc sắc của tác phẩm văn học thì nay việc triển khai xây dựng vở diễn sân khấu đến trường học sẽ giúp cho học sinh được sống trong khoảnh khắc thật của tác phẩm so với cách học “chay” thông thường.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại