Thứ bảy 23/11/2024 04:11

Thực hiện hiệu quả các chính sách thúc đẩy kinh tế Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội sẽ tập trung vào các chính sách tác động ngay và một số chính sách dài hạn có tác động thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững. Tiếp tục lấy doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm phục vụ vừa là chủ thể phục hồi, phát triển kinh tế vừa tích cực, chủ động sáng tạo và phối hợp phòng, chống dịch bệnh.
“Thúc đẩy đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian ngắn nhất; tập trung hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn…”. Đây là những mục tiêu của TP Hà Nội đề ra sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong quý IV-2021 và các năm 2022, 2023 tại Kế hoạch số 246/KH-UBND của UBND TP Hà Nội mới ban hành.
“Thúc đẩy đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian ngắn nhất; tập trung hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn…”. Đây là những mục tiêu của TP Hà Nội đề ra sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong quý IV-2021 và các năm 2022, 2023 tại Kế hoạch số 246/KH-UBND của UBND TP Hà Nội mới ban hành

Chủ động, linh hoạt phục hồi và phát triển kinh tế

Trước những tác động của dịch Covid-19, theo Kế hoạch số 246/KH-UBND cho thấy, tình hình phát triển kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các tháng 7, 8, 9 các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, vui chơi giải trí... suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

TP Hà Nội cũng đã chỉ rõ, hiện nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 gặp một số khó khăn. Các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn cũng như trong cả nước. Giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng và các công trình xây dựng có nhiều biến động.

Thiếu nguồn cung lao động do lao động về quê, lao động vướng việc gia đình nên chưa sẵn sàng trở lại sản xuất. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh...

Trước thực tế đó, quan điểm của TP Hà Nội là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, chủ động, linh hoạt phục hồi và phát triển kinh tế theo lộ trình có kiểm soát với tiêu chí an toàn là trên hết và cao hơn tiêu chí chung của cả nước. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh và hiệu quả tất cả các chính sách của Chính phủ, đồng thời, Hà Nội sẽ chủ động hỗ trợ theo khả năng, đặc thù của Thủ đô.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung vào các chính sách tác động ngay và một số chính sách dài hạn có tác động thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững; tiếp tục lấy doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm phục vụ vừa là chủ thể phục hồi, phát triển kinh tế vừa tích cực, chủ động sáng tạo và phối hợp phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, TP Hà Nội sẽ tập trung bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8,0% của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đã đề ra góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Xây dựng kịch bản tăng trưởng thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững

Theo Kế hoạch, Hà Nội đã nêu rõ kịch bản tăng trưởng, gồm: Kịch bản cơ sở (điều hành) quý IV-2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,09-7,37%; năm 2021, GRDP tăng từ 2,35-3%; kịch bản tăng trưởng cơ sở phấn đấu, GRDP quý IV-2021 tăng trên 7,37%; năm 2021 tăng trên 3%; kịch bản tăng trưởng cơ sở rủi ro, GRDP quý IV-2021 tăng thấp hơn 5,09%, cả năm 2021 tăng thấp hơn 2,35%. Đối với kịch bản tăng trưởng năm 2022 và 2023, Hà Nội đề ra chỉ tiêu cụ thể: Kịch bản cơ sở (điều hành): GRDP năm 2022 tăng khoảng 7,0-7,5%; Kịch bản phấn đấu: GRDP năm 2022 tăng trên 7,5% và năm 2023 tăng trên 8,0%; Kịch bản rủi ro: GRDP năm 2022 tăng thấp hơn 7,0% và năm 2023 tăng thấp hơn 7,5%.

Để hoàn thành các mục tiêu, TP Hà Nội sẽ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế; duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách, như thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu và phấn dấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm hướng đến hoàn thành kế hoạch thu ngân sách 5 năm 2021-2025… Quản lý sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, dự án trọng điểm.

Ngoài ra, đối với các lĩnh vực kinh tế cụ thể, như ngành dịch vụ thương mại sẽ xây dựng các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động dịch vụ thương mại; phục hồi các chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu, kênh phân phối; thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt,…

Về ngành công nghiệp, bên cạnh xây dựng các tiêu chí an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, Hà Nội sẽ phấn đấu phục hồi nhanh hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề…

Đối với lĩnh vực vận tải, Hà Nội sẽ tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hang hóa đảm bảo thông suốt, an toàn. Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong việc quản lý và thống nhất phân luồng, phân tuyến phương tiện vận chuyển, phương án di chuyển của người lao động đi qua Hà Nội cũng như các địa phương, không gây ách tắc lưu thông…

Bên cạnh đó, TP Hà Nội sẽ thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp theo Nghị định số 80 của Chính phủ về hướng dẫn một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung cải cách, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP Hà Nội để sớm phục hồi, phát triển kinh tế.

Trong đó, TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; tư vấn, hỗ trợ miễn phí thủ tục pháp lý về thành lập các doanh nghiệp cho các tổ chức cá nhân. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh thủ hút đầu tư nước ngoài, phấn đấu hàng năm thu hút trên 4 tỷ USD.

Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động