Thứ sáu 22/11/2024 22:19

Thực hiện chính sách, pháp luật về Công nghiệp quốc phòng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo quy định, Quốc hội hoặc cơ quan chuyên môn của Quốc hội cần xem xét tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh để làm rõ những vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục; từ đó, kiến nghị sớm nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh để có cơ sở pháp lý tập trung nguồn lực phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thực hiện chính sách, pháp luật về Công nghiệp quốc phòng
Một số sản phẩm của Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng

Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật từng bước hiện đại”. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X nêu hạn chế “Công nghiệp quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng yêu cầu trang bị cho các lực lượng vũ trang”; ở điểm 2 đã nêu “công nghiệp quốc phòng, an ninh với trình độ công nghệ ngày càng cao, sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng” và tại Phần VIII nêu: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát cơ động. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự, an ninh, đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao của các lực lượng thù địch”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định “phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghệ quốc gia”.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nghiệp quốc phòng, an ninh, Điều 12 Luật Quốc phòng đã quy định một số nội dung cơ bản công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh, là ngành đặc thù, có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, vật tư, thiết bị kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang; Nhà nước cần có chính sách, cơ chế đặc thù, xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Xây dựng, ban hành hệ thống pháp luật về đầu tư công nghiệp quốc phòng

Trong những năm qua, quản lý của Nhà nước đối với đầu tư CNQP đã được nhấn mạnh trong Nghị Quyết số 06-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Quốc hội ban hành Pháp lệnh 02/2008/PL-UBTVQH12 về CNQP; Chính phủ đã tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch, các kế hoạch 5 năm xây dựng và phát triển CNQP, ban hành các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho đầu tư và phát triển CNQP. Đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực CNQP ở Việt Nam được thực hiện thông qua các dự án đầu tư công trên cơ sở cơ chế QLTC được xây dựng cho tính chất đặc thù của ngành Quốc phòng nói chung và lĩnh vực CNQP nói riêng, trên cơ sở tuân thủ Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Cơ chế QLTC phù hợp với hệ thống văn bản do Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, quy định về việc quản lý và sử dụng NSNN, như: Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 12 năm 2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện tốt quản lý, sử dụng NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, ban hành mới các văn bản để hoàn thiện cơ chế QLTC quân đội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo đưa vào chương trình làm việc toàn khóa nhiệm vụ xây dựng nghị quyết chuyên đề về đổi mới cơ chế tài chính, ban hành kèm theo đề án đổi mới cơ chế QLTC quân đội. Thường vụ Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều phiên họp xem xét kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến việc đổi mới cơ chế QLTC quân đội. Với sự tập trung, thống nhất cao, ngày 25/8/2018, Quân ủy Trung ương đã chính thức ban hành Nghị quyết số 915-NQ/QUTW về “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 3500/QĐ-BQP phê duyệt Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội”.

Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo”. Trong đó, Nghị quyết số 915- NQ/QUTW và Đề án đổi mới cơ chế QLTC quân đội xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc của cơ chế QLTC trong quân đội phải phù hợp với pháp luật của Nhà nước về tài chính, ngân sách; phòng, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Căn cứ để xây dựng chính sách được dựa trên quan điểm, đường lối, chiến lược và quy hoạch phát triển lĩnh vực CNQP nói chung và đầu tư từ NSNN cho lĩnh vực CNQP nói riêng. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, trọng tâm là Nghị quyết 06- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo bước phát triển mới cho ngành công nghiệp đặc thù, quan trọng này. Nổi bật là, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh được quan tâm xây dựng, từng bước hoàn thiện. Tổ chức lực lượng công nghiệp quốc phòng, an ninh được củng cố, kiện toàn, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia.

Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động