Thu hút nhiều chủ thể xây dựng, phát triển Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh chụp từ trên cao khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Quy định cơ chế thu hút đối tác ngoài Nhà nước
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định các cơ chế thu hút sự tham gia của các đối tác ngoài Nhà nước vào công cuộc phát triển Thủ đô. Dự thảo cũng làm rõ chính sách để thu hút hoạt động của khu vực tư cần được thể hiện trong cơ chế ưu đãi đầu tư; thành lập và quản lí các loại quỹ (như bên cạnh Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu, bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa Thủ đô); các hình thức thu hút đầu tư.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện cải cách phương thức quản trị theo hướng thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể vào xây dựng, phát triển Thủ đô: Dự thảo đã dành thời lượng rất lớn các quy định về phân loại dự án đầu tư; về hợp đồng BT, về thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP; về cơ chế ngân sách tài chính chủ động cho Hà Nội, về việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát... Những quy định này sẽ là động lực tạo nên sự phát triển vượt trội của Thủ đô.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh góp ý thêm, để tăng hiệu quả của các phương thức thu hút này, cần: sắp xếp thứ tự ưu tiên các lĩnh vực cần phối kết hợp các đối tác, ưu tiên dành cho các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công của Thủ đô; có thể mở rộng phạm vi thực hiện các cơ chế hợp tác đó. Cụ thể, cần rõ danh mục đầu tư, bổ sung các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên của TP cho mục tiêu phục vụ người dân như giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao; môi trường... Và trong các quy định cụ thể, cần mở rộng phạm vi, nội dung áp dụng các phương thức hợp tác đa chủ thể.
Ví dụ quy định về phạm vi áp dụng hợp đồng BT tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): “TP Hà Nội được thực hiện hình thức hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư có quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thuộc các lĩnh vực giao thông vận tải; hạ tầng kĩ thuật trong lĩnh vực thủy lợi” (đoạn 2 khoản 1 Điều 40). Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì việc quy định hạn hẹp phạm vi áp dụng như trên sẽ không phát huy hết mục tiêu chính sách khi đề xuất cơ chế đặc thù này cũng như gây khó khăn cho Hà Nội trong việc thu hút nhà đầu tư tư nhân. Có thể nên mở rộng phạm vi áp dụng hợp đồng BT trong tất cả các lĩnh vực giống như Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, bao gồm cả thể thao, văn hóa - một lĩnh vực hết sức quan trọng trong phát triển và quản lí Thủ đô.
Mở rộng khả năng thí điểm sandbox
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, việc quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát – là cơ chế cho phép ứng dụng, thử nghiệm các mô hình mới trong một số lĩnh vực, chưa được pháp luật quy định sẽ cho phép TP tạo đột phá về giá trị và hiệu quả. Tuy nhiên, trong dự thảo (khoản 2 Điều 42) quy định các lĩnh vực được thử nghiệm theo cách liệt kê và khá hạn chế về nội dung hoặc không gian: “Các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, vật liệu mới trong khu công nghệ cao; tại các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô; đầu tư mạo hiểm có sử dụng một phần ngân sách TP và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thúc đẩy, ươm tạo DN khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này”.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, có thể mở rộng khả năng thí điểm sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới) sang các không gian rộng hơn như: khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP, giống như phạm vi các cơ chế thử nghiệm được áp dụng tại TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/NQ-QH15 hoặc cũng có thể quy định thêm hướng mở. Ngoài các lĩnh vực kể trên trong Luật Thủ đô thì chính quyền TP có thể tổ chức Hội đồng thẩm định và xét duyệt thêm với một số lĩnh vực khác, theo quy trình chặt chẽ.
Phát triển các đô thị vệ tinh bên cạnh các đô thị trung tâm | |
Phát triển đường sắt công cộng gắn với bất động sản |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại