Thứ ba 16/07/2024 12:30

Thống nhất đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thống nhất đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam
Ảnh minh họa.

Hỏi: Tôi được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam. Xin quý báo cho biết chi tiết?

(Phạm Anh Thư, huyện Đông Anh, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:

Ngày 6/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất mục đích xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng quân đội Nhân dân Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sĩ quan; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.

Cơ bản thống nhất 03 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật. Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu sau:

- Đánh giá tác động kỹ lưỡng, thuyết minh rõ về sự cần thiết bổ sung chức vụ của sĩ quan là cấp phó vào hệ thống chức vụ cơ bản của sĩ quan quân đội; quy định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy.

- Về chính sách nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam, cần tính đến các trường hợp nhân tài đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ nhằm tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm; đồng thời tiếp tục nghiên cứu các chính sách thu hút, “giữ chân” nhân tài phù hợp với đặc thù của quân đội Nhân dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

- Một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan (như phong quân hàm của học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, chính sách về nhà ở, tiền lương, thôi phục vụ tại ngũ): tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ với pháp luật có liên quan (như nhà ở, đất đai,...).

Chính phủ Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp luật năm 2024 của Quốc hội (xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV - tháng 10/2024).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Trước đó, các ý kiến bày tỏ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật, như: Luật Sĩ quan chỉ quy định chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp trưởng, không quy định đối với cấp phó nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó sĩ quan và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn. Mặt khác, chức vụ, chức danh lãnh đạo, chỉ huy, quản lý còn được quy định nhiều văn bản khác nhau nên việc triển khai chưa thống nhất, nhất là việc áp dụng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với sĩ quan.

Khoản 1, điều 13 quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan: cấp úy 46, thiếu tá 48, trung tá 51, thượng tá 54, đại tá nam 57 (nữ 55) và cấp Tướng 60 (nữ 55).

Tuy nhiên, theo Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội đủ 35 năm (nữ là 30 năm) mới được hưởng lương hưu tối đa 75%. Vì vậy, sĩ quan cấp trung tá trở xuống hết tuổi phục vụ tại ngũ thì không đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu tối đa 75%.

Cùng với đó, việc bất cập về được phụ cấp nhà ở đối với sĩ quan; quy định tiền lương của sĩ quan chưa được điều chỉnh kịp thời với mức tăng sinh hoạt, tăng trưởng chung của nền kinh tế thấp hơn so với mức tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong các doanh nghiệp, chưa tương xứng với tính chất đặc thù của quân đội là ngành lao động đặc biệt.

Bên cạnh đó, quy định trần quân hàm, chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan chưa thống nhất; một số chế độ, chính sách đối với sĩ quan tại ngũ, sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ và gia đình sĩ quan chưa được thể chế hóa, áp dụng thực hiện…

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tận dụng tốt không gian ngầm đô thị Luật Thủ đô (sửa đổi): Tận dụng tốt không gian ngầm đô thị
Cử tri mong Luật Thủ đô sớm triển khai để Hà Nội vươn tầm, phát triển Cử tri mong Luật Thủ đô sớm triển khai để Hà Nội vươn tầm, phát triển
LS. Nguyễn Trung Tiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động