Thiết kế đô thị tuyến phố Hà Nội: Hướng đến hài hòa nhịp điệu kiến trúc không gian
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhố Lý Thường Kiệt, Hà Nội là tuyến phố đầu tiên được lập thiết kế đô thị. Ảnh: Thanh Tuấn |
Đáp ứng yêu cầu phát triển
Trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều tuyến đường từ nội đô đến vành đai. Song có một thực tế cần nhìn nhận là đường được xây dựng, mở rộng đến đâu thì tình trạng nhà cửa hai bên mọc lên lộn xộn đến đó. Tồn tại này cho thấy yếu tố thiết kế đô thị đang chưa đồng bộ, vẫn chưa có những tuyến đường, phố đẹp, văn minh hiện đại đúng nghĩa.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, quy mô đô thị của Hà Nội ngày càng mở rộng, việc xây dựng, tái thiết đô thị sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, nhất là điều kiện vật chất người dân đô thị ngày càng nâng lên, muốn thể hiện phong cách cho ngôi nhà của mình, nếu thiết kế đô thị không được chú trọng sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát kiến trúc đô thị.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI. Trả lời ý kiến cử tri về việc bố trí nguồn lực thực hiện thiết kế đô thị đối với các tuyến phố, UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở đề xuất của UBND các quận và nghiên cứu báo cáo của các Sở, ngành, ngày 4/3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 837/QĐ-UBND phê duyệt danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.
Trong đó, Hà Nội cũng xác định các khu vực cần lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tại địa bàn các quận, kế hoạch thực hiện và các nội dung liên quan. Đến nay, đã có một số đồ án thiết kế đô thị cơ bản đã được nghiên cứu, triển khai lập. UBND TP Hà Nội đã phê duyệt các nhiệm vụ như thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) tỉ lệ 1/500, thiết kế đô thị riêng tuyến đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm) tỉ lệ 1/500.
Các thiết kế đô thị đang được nghiên cứu, triển khai lập bao gồm thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Thanh Niên, tỉ lệ 1/500, hiện UBND quận Tây Hồ đang triển khai, tổ chức hội thảo và xin ý kiến chuyên gia.
Thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỉ lệ 1/500 do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức lập, hiện nhiệm vụ đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo UBND TP Hà Nội để xem xét phê duyệt.
Thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng, tỉ lệ 1/500, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang hoàn chỉnh hồ sơ theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Hài hòa với không gian chung của đô thị
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị là một phần quan trọng, không thể thiếu đối với một đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, là công cụ hữu hiệu của chính quyền trong quản lý đô thị.
“Thiết kế đô thị sẽ cho ra những khu phố tiện nghi, dãy phố có nhịp điệu kiến trúc, hài hòa về màu sắc, những không gian xanh, không gian công cộng phục vụ cho cuộc sống con người, từ kiểu dáng đèn đường, biển quảng cáo, biển báo, thùng rác, chỗ nghỉ chân... Đặc biệt, khi có thiết kế đô thị sẽ không có chỗ cho những nhà siêu mỏng, siêu méo xây dựng một cách vô lối...” - KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh, cùng với quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị đóng vai trò quan trọng, là công cụ để quản lý các dự án đầu tư xây dựng, quản lý cảnh quan, cấp phép công trình... trên mỗi tuyến phố. Do đó, ngoài tuyến phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội đang chỉ đạo việc nghiên cứu thiết kế đô thị cho nhiều tuyến phố khác như Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Kim Đồng... Về bản chất, đây là công cụ quản lý về mặt kiến trúc, cảnh quan của TP.
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm nêu, đối với các tuyến phố đã ổn định chức năng trong khu vực trung tâm TP, nội dung đồ án cần phải xác định rõ các tiêu chí không gian đô thị hai bên, tầng cao xây dựng bình quân và cho từng công trình cụ thể, xác định khoảng lùi, màu sắc, hình thức kiến trúc công trình. Đặc biệt, cần đưa ra quy định cây xanh, địa hình, cốt cao độ và hạ tầng kỹ thuật... Như vậy, một đồ án thiết kế đô thị sẽ gồm rất nhiều nội dung chi tiết, cụ thể cần được nghiên cứu kỹ và đủ cơ sở về nguồn lực thực hiện thì mới thành công.
"Hà Nội có nhiều tuyến phố gắn liền với thanh xuân tươi đẹp của tôi, vậy nên mong rằng, thành phố cần quan tâm, chỉnh trang và cải tạo, để góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, hiện đại, xứng danh là Thủ đô ngàn năm văn hiến, là trái tim của cả nước" - bác Phạm Văn Tiến (65 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại