Thứ hai 06/05/2024 21:06
Góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi)

Qui hoạch không gian: Đột phá để Thủ đô phát triển bền vững

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Góp ý về Luật Thủ đô (sửa đổi), chuyên trang Pháp luật và Xã hội, báo Kinh tế và Đô thị có cuộc phỏng vấn Đại sứ Hà Huy Thông…
Qui hoạch không gian: Đột phá để Thủ đô phát triển bền vững
Đại sứ Hà Huy Thông: “Tôi thấy rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã được dự thảo rất công phu và khá chi tiết”. Ảnh: NVCC

- Tham dự Toạ đàm “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại: Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam” do UBND TP Hà Nội phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức, Đại sứ có thể chia sẻ về quá trình chuẩn bị trình sửa Luật Thủ đô năm 2012?

- Đại sứ Hà Huy Thông: Trước hết, tôi thấy rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã được dự thảo rất công phu và khá chi tiết, cụ thể. Nếu Luật Thủ đô năm 2012 có 4 Chương và 26 Điều, thì Dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô lần này tăng lên 7 Chương 59 Điều.

Thứ hai, trong quá trình chuẩn bị, dự thảo bám sát và thể chế hoá Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về qui hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách về phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ qui hoạch đô thị, qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đô thị…, xây dựng khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng đô thị kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị”;

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá, xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, đảm bảo hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng.

Thứ ba, dự thảo Luật Thủ đô lần này có nhiều điểm mới so với Luật Thủ đô năm 2012.

- Đại sứ có thể chia sẻ nhận định về cách tiếp cận sửa Luật Thủ đô lần này?

- Đại sứ Hà Huy Thông: Như đã phát biểu tại cuộc Toạ đàm “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại: Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam”, cá nhân tôi có hai ấn tượng chính.

Trước hết, Ban soạn thảo đã đưa ra nhiều điểm mới, thậm chí coi đó như những biện pháp mang tính “đột phá” hay “vượt trội” như về qui hoạch không gian ngầm, chính quyền Thủ đô, khu công nghệ cao, phân cấp phân quyền, cơ chế đặc thù vượt trội cho Thủ đô, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực… và nhiều qui định chi tiết về xây dựng, tài chính, cưỡng chế luật, tổ chức, biên chế, lương, phụ cấp, xử phạt…

Thứ hai, Ban soạn thảo cởi mở, cầu thị, nghe tham khảo kinh nghiệm và giá trị quốc tế phù hợp điều kiện cụ thể của Hà Nội như thể hiện tại cuộc Toạ đàm. Hai mặt này liên quan đến nhau, như khi đưa biện pháp “đột phá” xem phù hợp lý thuyết, luật, thực tiễn, thông lệ và xu thế quốc tế thế nào. Hay khi áp dụng biện pháp đã được thử nghiệm thành công ở nhiều Thủ đô có thể tạo đột phá cho sự phát triển của Hà Nội.

- Ông ấn tượng với đề xuất sửa đổi điều nào của Luật, thưa ông?

- Đại sứ Hà Huy Thông: Có lẽ đó là vấn đề “Qui hoạch không gian”, nói rộng ra chắc phải gồm cả: Qui hoạch, mở rộng, quản lý và bảo vệ không gian, cả ở trên không, mặt đất, mặt sông hồ và ngầm… vì một số lý do.

Trước hết, về kỹ thuật văn bản, thì đây có lẽ là lần đầu tiên vấn đề “qui hoạch không gian” được đề cập trong Luật Thủ đô.

Thứ hai, cũng như ở các nước khác, Thủ đô trước hết là trung tâm chính trị - hành chính và mang tính đại diện cho quốc gia. Nhiều báo chí hay tài liệu dùng tên Thủ đô thay cho quốc hiệu. Hầu hết trụ sở các cơ quan trung ương quan trọng nhất của một quốc gia như cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao và các Bộ quan trọng nhất đều nằm ở Thủ đô.

Các nước và Liên hợp quốc chỉ đặt trụ sở Đại sứ quán của mình ở Thủ đô nước có quan hệ ngoại giao. Về lý thuyết, “Qui hoạch không gian” đã được thế giới đề cập từ lâu như một khái niệm tổng hợp, liên ngành, lĩnh vực như: kiến trúc, môi trường, xây dựng, vật lý… Nhiều trường Đại học và Viện nghiên cứu trên thế giới đã dạy hay có khoa về qui hoạch không gian.

Thứ ba, trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã đưa việc qui hoạch không gian là yêu cầu bắt buộc trong kiến trúc, xây dựng, xây dựng chiến lược đô thị hoá, phát triển kinh tế vùng, phát triển vùng duyên hải… Là một trong những nôi và trung tâm văn minh về khoa học, văn hoá, kiến trúc, hội hoạ, kiến trúc, nghệ thuật lại ở khu vực có nhiều nước, mật độ dân số cao

Châu Âu từ lâu đã phát triển khoa học “qui hoạch không gian” (spatial planning), từ những năm 1950. Năm 1983, EU đã đưa ra những qui định về “qui hoạch không gian” cho các nước thành viên.

Hơn 20 nước như: Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Hà Lan, Bungary, Hy Lạp, Malta, Bỉ, Đan Mạch, Thuỵ điển, Latvia… đã thành lập “Bộ qui hoạch không gian” (Ministry of spatial planning hay MSP) hay các cơ quan độc lập có thẩm quyền (Authority) phụ trách “qui hoạch không gian” toàn quốc.

Đến nay, “Qui hoạch không gian” trở thành một phương pháp cơ bản hay chiến lược tổng hợp giữa chính sách và thực tiễn qui hoạch đô thị hay qui hoạch vùng, bao gồm về môi trường, không gian sinh thái, đất đai, kiến trúc, giao thông, vận tải, xây dựng và được sử dụng phổ biến ở Châu Âu, Bắc Mỹ.

Nhiều nước Châu Á - Thái Bình Dương như: Trung Quốc, Ấn độ, Nhật, Indonesia, Philipin, Thái lan, New Zealand… đã đưa ra chính sách hay chiến lược không gian quốc gia.

Thứ tư, qui hoạch không gian là một bộ phận quan trọng trong Chương trình các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được Liệp hợp quốc thông qua năm 2015 đến năm 2030.

Thứ năm, nhiều thách thức trong quá trình phát triển Thủ đô những năm qua từ tai nạn giao thông, cháy nhà, xây nhà cao tầng, ô nhiễm… đến phát triển vùng Thủ đô, phát triển kinh tế Đồng bằng Sông Hồng… ở mức độ khác nhau đều liên quan qui hoạch không gian.

Do đó, việc đưa “Qui hoạch không gian” vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có thể coi là một giải pháp đột phá không chỉ xử lý nhiều vấn đề trước mắt mà còn góp phần phát triển Thủ đô bền vững hơn hàng chục năm tới.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện!

Đại sứ Hà Huy Thông là nhà ngoại giao kỳ cựu. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại như: Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan (2006-2010), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (2011-2016). Ông cũng là đại biểu Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô năm 2012.

Năm 2011, ông được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Có tính chất đột phá nhưng phải đảm bảo giữ được truyền thống Có tính chất đột phá nhưng phải đảm bảo giữ được truyền thống
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá cao Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá cao
Nhật Nam (ghi)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động