Có tính chất đột phá nhưng phải đảm bảo giữ được truyền thống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Minh |
Cần cụ thể hơn, tập trung những cơ chế, chính sách có tính đặc thù
Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) nên cụ thể hơn, tập trung bổ sung đưa vào những cơ chế, chính sách có tính đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm, vượt trội hơn so với chính sách áp dụng chung khi chưa có Luật Thủ đô.
Lý giải đề xuất, bà Thủy cho hay, khi đã ban hành Luật Thủ đô thì mọi người dân đều có thể hiểu mục đích của việc ban hành Luật Thủ đô là để có những cơ chế, chính sách khác hơn, đặc thù hơn… để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại hơn các trung tâm, thành phố (TP), các tỉnh thành khác trên đất nước; là mong mỏi Thủ đô Hà Nội có bước phát triển bứt phá ngang tầm Thủ đô của các nước trên thế giới. Chính vì vậy, cần phải rõ, cụ thể những cơ chế chính sách đặc thù, có tính chất đột phá, khả thi; nhưng phải đảm bảo giữ được truyền thống, nền tảng văn hóa bản sắc của Việt Nam.
Theo bà Thủy, nên đưa vào Luật Thủ đô cụ thể chính sách cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao. Trong dự thảo có nêu, ưu tiên sử dụng nguồn nhân tài… Chúng ta có thể đưa cụ thể: Tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp Thủ khoa các trường đại học, tốt nghiệp đại học, thạc sỹ du học tự túc ở nước ngoài về có nguyện vọng làm việc trong cơ quan Nhà nước với định mức lương khi vào làm việc gấp 3-5 lần mức lương hiện tuyển dụng công chức, hưởng lương ngạch bậc theo quy định hiện hành. Đồng thời, cần cụ thể, tập trung vào một số lĩnh vực cần nhân lực chuyên sâu như: Lĩnh vực quy hoạch quản lý đô thị; giao thông đô thị; quản lý xử lý môi trường; khoa học, công nghệ; công nghệ vật liệu mới,…
Tại Điều 8, khoản 1 có ghi chính quyền địa phương tại TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã, "Thành phố thuộc thành phố Hà Nội", xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Tuy nhiên trong Luật chưa đề cấp tới Hội đồng Nhân dân (HĐND), Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp huyện, xã. Cần phân cấp mạnh hơn cho cơ sở vì không phân cấp thì cũng giống như các tỉnh, TP khác.
Nhất trí nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Cùng góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Trần Thu Hằng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh cho biết, việc lấy ý kiến của người dân Thủ đô vào Dự thảo Luật là rất cần thiết vì người dân, người lao động, công chức, viên chức… trên địa bàn Thủ đô chịu tác động rất lớn của Luật này khi được Quốc hội thông qua.
Góp ý trực tiếp vào khoản 1, Điều 8 dự thảo Luật Thủ đô nêu: Chính quyền địa phương tại TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Bà Hằng cho rằng, việc xây dựng tổ chức chính quyền đối với mô hình “Thành phố thuộc thành phố Hà Nội” cần phải quy định chi tiết, cụ thể hơn, do theo dự kiến tới đây TP Hà Nội sẽ thành lập TP phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Khi thành lập TP này, quy mô dân số, vị trí địa lý… sẽ gấp 3 đến 4 lần 01 quận, huyện, từ đó đòi hỏi khối lượng công việc, trình độ cán bộ, chế độ chính sách, việc tổ chức chính quyền của mô hình này cần rõ ràng, cụ thể để đến khi mô hình “TP trong TP” có quyết định thành lập đi vào hoạt động khi áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ thuận lợi, hiệu quả ngay.
Về nội dung HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm”.
Theo bà Hằng, nên thay cụm từ “không quá 02 lần” bằng cụm từ “giao HĐND TP căn cứ vào tình hình thực tế quy định mức phạt hành chính cho phù hợp” để đảm bảo đủ tính răn đe, để mọi người không dám vi phạm.
Bên cạnh đó, bà Hằng cũng nhất trí với các nội dung trong chương III về chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô và chương IV về liên kết, phát triển vùng Thủ đô.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại