Giữ gìn không gian nghệ thuật công cộng: Tạo ra sắc màu mới cho đô thị Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng ra mắt vào dịp đầu Xuân 2018. Ảnh: Thanh Tuấn |
Sớm chỉnh trang các công trình bị xuống cấp
Các công trình như: Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, phố bích họa Phùng Hưng, hay con đường gốm sứ ven sông Hồng khi ra đời vốn được coi là hình mẫu trong việc biến những nơi ô nhiễm, nhếch nhác thành không gian văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, không khó để thấy những hình ảnh trên các công trình nghệ thuật công cộng này.
Ông Đào Văn Thắng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Chứng kiến những không gian văn hóa nghệ thuật như con đường gốm sứ, phố bích họa Phùng Hưng hay con đường nghệ thuật Phúc Tân ngày càng xuống cấp trầm trọng, hư hỏng do thời gian và một số nguyên nhân khác, tôi thấy rất xót xa. Tình trạng xuống cấp của các không gian nghệ thuật nếu không được sửa chữa kịp thời sẽ gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Tôi hi vọng một ngày sớm nhất những không gian nghệ thuật này sẽ được trùng tu lại để tô điểm thêm vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến".
Đầu năm 2023, Phố bích họa Phùng Hưng đã được tu sửa. Họa sĩ Lê Đăng Ninh, người trực tiếp thực hiện việc tu sửa các tác phẩm nghệ thuật ở đây cho biết: phố bích họa Phùng Hưng đã bước sang năm thứ 5 kể từ khi được đưa vào sử dụng.
Các tác phẩm được trưng bày ngoài trời, chịu tác động của nắng mưa, lại thường xuyên tương tác với người xem nên đã xuống cấp, bong tróc, phai màu.
Qua thời gian thực hiện tu sửa, các tác phẩm đã dần trở lại hiện trạng ban đầu, sau khi được gia cố nền, vẽ lại, sơn mới và sơn phủ nên tươi sáng hơn. Còn với các tác phẩm điêu khắc, các họa sĩ phải tìm những vật liệu thay thế, trám vào những chỗ bị hư hỏng.
Việc chỉnh trang, tu sửa Phố bích họa Phùng Hưng là một tin vui cho các không gian nghệ thuật công cộng, cho thấy sự vào cuộc của chính quyền, sự chung tay của nghệ sĩ để giải quyết tình trạng xuống cấp của các tác phẩm.
Tuy nhiên, theo họa sĩ Lê Đăng Ninh: "Việc bảo vệ các tác phẩm, không gian nghệ thuật cần có sự chung tay không chỉ của cơ quan quản lý, các nghệ sĩ mà còn của cả cộng đồng xung quanh.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân đã bị mai một theo thời gian. Ảnh: Thanh Tuấn |
Cộng đồng xã hội cùng chung tay sáng tạo
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Không gian công cộng đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “châm cứu, chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một TP sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng”.
Theo các KTS, các đô thị, TP của Việt Nam một mặt đang bị sức ép chi phối bởi vấn đề toàn cầu hóa, liên quan đến việc định hình và giữ vững bản sắc văn hóa. Mặt khác, đang hướng tới sự phát triển được lồng ghép với nhiều mục đích như đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị bền vững. Việc kiến tạo các không gian công cộng liên quan đến nhiều chủ thể trong xã hội, không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà thiết kế tổ chức không gian và nghệ thuật, mà còn cả cộng đồng xã hội cùng chung tay sáng tạo và đóng góp ý tưởng. Mặc dù rất cần thiết nhưng trên thực tế, các không gian công cộng ở các đô thị còn thiếu thốn và chưa được quan tâm, hoặc có nhưng chưa được thiết kế và đầu tư thỏa đáng.
Theo các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, mỗi công trình đã được xây dựng nên đều chuyên chở rất nhiều tâm huyết, khát vọng của người thực hiện về một Hà Nội đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Và, người ta cũng thấy rõ tác dụng tích cực của các công trình khi biến những không gian “chết” trở thành điểm đến sôi động, đáng nhớ của mỗi người dân Thủ đô cũng như du khách. Việc các công trình nhanh chóng xuống cấp không chỉ là nỗi tiếc xót mà đương nhiên sẽ để lại ấn tượng không tốt cho du khách đến Hà Nội.
Vì vậy, Hà Nội cần thiết phải có chủ trương, kế hoạch, chính sách duy tu, bảo dưỡng tăng tuổi thọ cho các công trình một cách rõ ràng, thường xuyên, liên tục chứ không đợi hỏng mới sửa thì nhiều thứ đã muộn.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, một yếu tố rất quan trọng trong tạo tính bền cho các công trình chính là từ ý thức người dân. Chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ dân phố để tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ các công trình, thậm chí là cùng đưa ra quy định xử phạt những người xả rác, vệ sinh bậy hoặc phá hoại công trình… Khi người dân cùng có ý thức, các công trình sẽ được bảo vệ mỗi ngày, chắc chắn sẽ gìn giữ được giá trị về mọi mặt mà khi kiến tạo các công trình này hướng tới, đảm bảo gìn giữ vẻ đẹp cho Thủ đô.
Theo giới chuyên gia về đô thị, các công trình nghệ thuật ngoài trời xuống cấp ngoài nguyên nhân về nguyên vật liệu xây dựng, còn chịu tác động từ yếu tố liên quan đến môi trường thời tiết hay con người. Vì vậy, nên duy trì và có nhiều cuộc đại tu để giúp các công trình nghệ thuật có tuổi thọ dài hơn.
Chuyên gia đô thị - KTS Trần Huy Ánh cho biết, các công trình nghệ thuật ngoài trời tạo nên những cảnh quan đô thị có giá trị. Có những tác phẩm do chất lượng nguyên vật liệu kém không chịu nổi thời tiết, mưa nắng dẫn đến chất lượng công trình thấp, mỏng manh dễ bị hư hỏng. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương cùng với các nghệ sĩ đã tích cực củng cố nâng cao chất lượng các không gian nghệ thuật ngoài trời. |
Bãi rác lâu năm bỗng chốc hoá thành "không gian nghệ thuật" đặc sắc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại