Thứ sáu 26/04/2024 04:56

Thí sinh ngủ quên bị 0 điểm: Có thể giám thị không vi phạm nhưng thực hiện nhiệm vụ vô cảm như một "cái máy"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về việc thí sinh ngủ quên, dẫn đến bị 0 điểm tiếng Anh, trượt tốt nghiệp THPT, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ coi thi.
Thí sinh ngủ quên bị 0 điểm: Có thể giám thị không vi phạm nhưng thực hiện nhiệm vụ vô cảm như một "cái máy"
Điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 của thí sinh bị 0 điểm môn tiếng Anh ở Cà Mau.

Học sinh giỏi trường chuyên trượt tốt nghiệp vì ngủ quên, bị 0 điểm tiếng Anh

Ông Lê Chí Nguyễn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển ở TP Cà Mau xác nhận trường có một nam sinh ngủ quên trong giờ thi môn tiếng Anh, bỏ trống phần bài làm trên phiếu trắc nghiệm. Tổng điểm các môn thi của thí sinh này 50,22. Trong đó, Toán 8, Ngữ văn 7,75, vật lí 9,5, Hóa học 9, sinh học 6,75, Khoa học tự nhiên 8,42 và cuối cùng là môn tiếng Anh 0 điểm.

Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết em này là học sinh giỏi 3 năm liền và nằm trong đội tuyển môn Vật lý của trường. Với sức học của em, nhiều thầy, cô nhận định em thừa sức đỗ đại học. Điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 của học sinh này đạt 8,6.

Nam sinh này cũng chia sẻ chiều 8/7, sau khi nhận đề, em làm nháp vào tờ đề thi được hơn 40 trong tổng số 50 câu, mất khoảng 15 - 20 phút trong 60 phút làm bài thi môn tiếng Anh. Tuy nhiên, do mệt quá vì nhiều đêm thức khuya ôn bài cho kỳ thi nên em gục xuống bàn rồi ngủ khi nào cũng không hay. Khi giám thị gọi em dậy nộp bài, phiếu trắc nghiệm của em chưa được điền đáp án.

Do bị điểm liệt (từ điểm 1 trở xuống) nên theo quy định, thí sinh này không được xét tốt nghiệp và cũng không được xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Chiều ngày 3/8, ông Tạ Thanh Vũ, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết Sở sẽ có báo cáo chính thức gửi Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Cà Mau về vụ việc. Theo đó, ông Vũ khẳng định các giám thị coi thi làm đúng quy chế.

Ông Vũ cho biết theo lời giám thị 1, thời gian đầu, thí sinh này làm bài rất tập trung, trong phòng thi, không riêng thí sinh T. gục xuống bàn (không xác định có ngủ hay không), nên giáo viên ngỡ là thí sinh này đã làm bài xong. Việc thí sinh gục xuống bàn đến 40 phút hay bao lâu không thể xác định được thời gian chính xác và theo quy chế, giám thị không được tiếp xúc gần thí sinh.

Cần làm rõ trách nhiệm của giám thị

TS.Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Hiện nay, việc tổ chức khi, coi thi được thực hiện theo quy chế thi tốt nghiệp phổ thông trung học, ban hành kèm theo thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT.

Theo đó, Khoản 2 Điều 20 Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Ban Coi thi như sau: Trưởng ban Coi thi chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thi về công tác coi thi; có nhiệm vụ điều hành toàn bộ công tác coi thi tại Hội đồng thi, quyết định giờ phát túi đề thi còn nguyên niêm phong cho Cán bộ coi thi (CBCT), quyết định xử lý các tình huống xảy ra trong các buổi thi; Phó Trưởng ban Coi thi, ủy viên và thư ký chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy nhiệm của Trưởng ban Coi thi.

Đối với cán bộ coi thi thì khoản 2 Điều 22 Quy chế quy định về cán bộ coi thi chịu trách nhiệm trước Trưởng Điểm thi; thực hiện nhiều công việc, đặc biệt trong đó có quy định:

- Khi thí sinh bắt đầu làm bài, CBCT thứ nhất đối chiếu ảnh trong Thẻ dự thi và Danh sách ảnh của thí sinh với thí sinh để nhận diện thí sinh, ghi rõ họ tên và ký vào các tờ giấy thi, giấy nháp của thí sinh; CBCT thứ hai bao quát chung; trong giờ làm bài, một CBCT bao quát từ đầu phòng đến cuối phòng, CBCT còn lại bao quát từ cuối phòng đến đầu phòng cho đến hết giờ thi; CBCT không được đứng gần thí sinh, giúp đỡ thí sinh làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào; chỉ được trả lời công khai tại phòng thi các câu hỏi của thí sinh trong phạm vi quy định; CBCT ký và ghi họ tên vào các tờ giấy thi, giấy nháp phát bổ sung cho thí sinh được thực hiện theo quy trình quy định tại điểm c, điểm đ khoản này;

- Nếu có thí sinh vi phạm kỷ luật thì CBCT phải lập biên bản xử lý theo đúng quy định; nếu có tình huống bất thường phải báo cáo ngay cho Trưởng Điểm thi giải quyết;

- Trước khi hết giờ làm bài 15 phút (đối với bài thi độc lập và đối với mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp), CBCT thông báo thời gian còn lại cho thí sinh biết;

TS.Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Trong vụ việc nêu trên, thông tin ban đầu cho thấy rằng, lúc đầu thí sinh thực hiện theo đúng quy định, đủ điều kiện làm bài và đã đọc đề, làm ra bản nháp, sau đó gục xuống ngủ và ngủ quên cho đến khi nộp bài... Theo quy định của quy chế thì các giám thị phòng thi này phải biết được tình hình, với những thí sinh ngủ gục thì cũng cần kiểm tra, theo dõi xem đó là thí sinh buồn ngủ hay do các em bị ốm. Nếu là ốm, đột quỵ, ngất xỉu thì phải gọi y tế để cấp cứu kịp thời. Nếu trường hợp là thí sinh ngủ thì theo quy chế giám thị coi thi phải nhắc cho thí sinh biết trước 15 phút trước khi thu bài (hết giờ).

Nếu thí sinh ngủ mà giám thị coi thi không thông báo cho thí sinh biết trước về thời gian hết giờ (trước 15 phút) thì giám thị này đã vi phạm quy chế thi, việc không thông báo cho thí sinh biết trước thời gian 15 phút nữa là hết giờ khiến cho thí sinh không có thời gian làm bài, soát bài nên bị 0 điểm.

Với những kỳ thi thì thời gian một phút, thậm chí vài giây thôi cũng quý, cũng quan trọng đối với các thí sinh. Với môn thi Ngoại ngữ mà thí sinh có khả năng làm được bài, đã đọc hết đề thi thì chỉ cần 10 phút là có thể làm bài (khoanh, đánh dấu) tương đối bài thi và hoàn toàn có thể đạt điểm trung bình trở lên. Thời gian đọc đề, thời gian suy nghĩ viết ra nháp mới mất nhiều thời gian, còn để làm bài, điền từ bản nháp vào bài thi thì chỉ khoảng 10 phút là xong. Nếu thí sinh đã đọc hết đề thi, có khả năng làm bài, đã viết ra nháp rồi thì 10 phút để hoàn thiện bài thi là rất quan trọng và là thời gian quyết định, chính vì thế mà quy chế thi đã quy định giám thị giám thị coi thi phải nhắc thí sinh trước 15 phút tính đến thời điểm hết giờ.

TS.Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: "Trường hợp giám thị nhắc giờ cho các thí sinh trước 15 phút tính đến thời điểm hết giờ làm bài thì thí sinh có khả năng làm bài, đã đọc đề thi không thể bị điểm liệt, thậm chí có thể vẫn đỗ cao. Bởi vậy trong tình huống này, cơ quan chức năng cần làm rõ giám thị coi thi có nhắc nhở thí sinh trước 15 phút trước khi thu bài hay không?".

TS.Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: Trong trường hợp giám thị coi thi đã nhắc nhở thời gian trước 15 phút, em học sinh này tỉnh dậy, đã biết nhưng vẫn tiếp tục ngủ, không làm bài thì có thể giám thị không có lỗi.

Theo quy chế thi giám thị coi thi không chỉ đảm bảo cho kỳ thi được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng thủ tục mà còn phải đảm bảo an toàn cho kỳ thi, nếu thí sinh ốm đau, đột quỵ, ngất xỉu thì phải gọi y tế cấp cứu.

Trường hợp thí sinh ngủ quên thì phải nhắc nhở (không cần phải lại gần, đây lại nhắc nhở để thí sinh tỉnh ngủ làm bài chứ không phải là nhắc bài thi), vấn đề nhắc nhở về thời gian và kiểm tra tình trạng sức khoẻ không vi phạm quy chế, thậm chí đó là quy định bắt buộc trước khi thu bài 15 phút.

Trường hợp giám thị coi thi không nhắc nhở thí sinh đang ngủ về thời gian sắp hết giờ trước 15 phút khiến thí sinh ngủ quên thì đây là hành vi rất vô cảm và có thể còn là hành vi vi phạm quy chế thi, cần phải xem xét xử lý theo quy định.

Đạt 30 điểm tuyệt đối, thí sinh Hà Nội là thủ khoa toàn quốc
Đáp án chi tiết môn Ngữ văn: Đề thi vừa sức, quen thuộc với thí sinh
Làm lộ đề thi sẽ bị xử lý thế nào?
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động