Thứ hai 09/09/2024 16:36

Thí sinh nên đăng ký xét tuyển Đại học sớm để tránh các sự cố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 20/8 tới đây sẽ hết thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2022. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến 12h ngày 14/8, mới có 532.798/939.993 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ.
Thí sinh nên đăng ký xét tuyển Đại học sớm để tránh các sự cố
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khuyên, thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký. Sau khi đăng ký xong, thí sinh có thể điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng bất cứ lúc nào trong thời gian quy định. (Ảnh: Khánh Huy)

Lí do vì sao vẫn còn quá nhiều thí sinh chưa đăng ký?

Được biết, nhiều thí sinh chưa đăng ký vì còn chờ đợi vài ngày cuối mới quyết định. Dù những ngày qua, Bộ GD&ĐT liên tiếp nhắc nhở thí sinh đăng ký nguyện vọng sớm để tránh sự cố trượt đáng tiếc. Nhưng nhiều thí sinh vẫn muốn suy nghĩ thêm một vài ngày nữa.

Trong số thí sinh chưa đăng ký, rất nhiều em đã nộp hồ sơ xét học bạ vào một số trường Đại học. Nhiều em đã biết kết quả là mình đỗ đại học sớm. Tuy nhiên, đến gần phút cuối, nhiều thí sinh bỗng dưng lại thích thay đổi ngành học.

Một số lượng không ít thí sinh thì chưa đăng ký xét tuyển vì sợ trượt do điểm thi tốt nghiệp thấp, đăng ký xét học bạ nhưng không trúng tuyển.

Vì thế, nhiều thí sinh đang tham khảo và cân nhắc phương án nguyện vọng phù hợp với điểm thi của mình.

Đại diện của một số trường đại học cho hay, hầu hết thí sinh đều nắm rõ hạn đăng ký nhưng có tâm lý chờ đợi và còn phân tích khả năng trúng tuyển các trường rồi mới quyết định vào… phút cuối, cũng có em quên đăng ký trên hệ thống của Bộ.

Một lí do nữa ảnh hưởng đến việc chậm đăng ký xét tuyển của thí sinh là do tăng học phí. Từ năm học 2022-2023, nhiều trường ĐH trên cả nước đã chính thức công bố mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí trong những năm tới.

Đặc biệt là khi nếu so sánh với mức học phí được áp dụng từ năm 2022, học phí của các trường tự chủ cao hơn ít nhất gấp 2 lần các trường chưa tự chủ.

Thông tin này được phụ huynh và các thí sinh hết sức băn khoăn để cân nhắc lựa chọn trường sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có đến gần 30 cơ sở giáo dục đại học thông báo học phí năm học 2022-2023.

Vì thế, ngoài việc cân nhắc về điểm số, sở trường, đam mê,… nỗi lo về học phí cũng là một trong những yếu tố quyết định đến xu hướng chọn trường, chọn ngành của nhiều thí sinh.

Trước tình trạng có đến gần 50% thí sinh chưa đăng ký. Bộ GD&ĐT đã thông tin tới các Sở GD&ĐT, các trường đại học yêu cầu nhắc nhở thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung theo đúng kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tránh làm mất cơ hội xét tuyển. Sau 17h ngày 20/8, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang quy trình tiếp theo. Điều đó có nghĩa là thí sinh không còn quyền đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Đăng ký sát giờ chót quá có thể sẽ gặp phải nhiều rủi ro

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khuyên, thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký. Sau khi đăng ký xong, thí sinh có thể điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng bất cứ lúc nào trong thời gian quy định.

Nếu để đến ngày cuối mới đăng ký nguyện vọng, thí sinh có thể gặp những rủi ro về mặt kỹ thuật, như đăng ký xong nhưng không lưu được. Đó là chưa kể việc thao tác vội vàng dễ dẫn đến những nhầm lẫn thông tin đăng ký xét tuyển như mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 22/7 đến 20/8, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng trực tuyến trên hệ thống của Bộ. Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các cơ sở đào tạo được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển của cơ sở đào tạo được xử lý nguyện vọng trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển.

Thí sinh có thể vào mục Tra cứu - Danh sách nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, để xem thông tin chi tiết. Bên cạnh đó, thí sinh có thể kiểm tra danh sách các nguyện vọng trúng tuyển có điều kiện đã đăng ký, tránh nhầm lẫn, sai sót làm mất cơ hội xét tuyển.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cũng lưu ý thí sinh cần có "chiến thuật" sắp xếp nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp. Mỗi phương thức xét tuyển có một tỉ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình thích nhất bằng phương thức xét tuyển sớm thì nên đăng ký đó là nguyện vọng 1.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, trường hợp các em còn băn khoăn thì có thể đăng ký xét tuyển bằng các phương thức khác cho phép, nhất là bằng điểm thi tốt nghiệp THPT theo thứ tự ưu tiên ngành mình yêu thích, phù hợp với năng lực. Ngoài ra, phải đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm xuống bên dưới. Khi đó, nếu thí sinh không trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi THPT thì vẫn bảo đảm trúng tuyển bằng các phương thức khác đã đủ điều kiện.

Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng. Hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể. Thí sinh không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.

Những điều cần biết về đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học
Điểm thi tốt nghiệp THPT 2022: Đạt “mục tiêu kép”
Điểm sàn xét tuyển đại học năm 2022 các trường ngành sư phạm
Điểm sàn xét tuyển các trường đào tạo kỹ thuật, công nghệ
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động