Thứ bảy 05/10/2024 16:42

Lo ngại khi điểm xét tuyển đại học lên xấp xỉ 32 điểm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đánh giá về điểm xét tuyển năm nay, nhiều ý kiến cho rằng điểm vào đại học năm nay tăng nhiều so với năm ngoái. Bằng chứng là có nhiều trường gần đây khi công bố điểm xét tuyển, ngưỡng điểm đã lên tới xấp xỉ 30 điểm, thậm chí có trường điểm xét tuyển lên xấp xỉ 32 điểm…
Lo ngại khi điểm xét tuyển đại học lên xấp xỉ 32 điểm
Lo ngại khi điểm xét tuyển Đại học lên đến 32 điểm

Xấp xỉ 32 điểm mới trúng tuyển đại học

Năm 2022, Học viện Ngoại giao dành 67% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển bằng học bạ THPT. Đối tượng xét tuyển là thí sinh có điểm trung bình 3/5 học kỳ THPT (tùy chọn từ lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12) từ 8 trở lên; thuộc một trong các nhóm: đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên; là học sinh trường chuyên; có chứng chỉ ngoại ngữ.

Theo thông báo ngày 20/7, điểm chuẩn học bạ hầu hết ngành từ 30 trở lên. Ngành Truyền thông quốc tế (tổ hợp C00: Văn, Sử, Địa) lấy tới 32,18, còn lại phổ biến 30-31. Mức này là tổng điểm trung bình ba môn trong ba học kỳ theo tổ hợp (tối đa 30) và điểm ưu tiên.

Trong công bố điểm xét tuyển của mình, Đại học Luật Hà Nội thông tin trường này tuyển gần 2.300 sinh viên, trong đó gần 1.100 chỉ tiêu được xét dựa vào học bạ THPT. Ở phương thức này, trường xét các thí sinh có học lực loại giỏi trở lên ít nhất hai trong 5 học kỳ (lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12), trong đó kết quả học tập học kỳ I lớp 12 của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 7 trở lên.

Điểm chuẩn học bạ với các thí sinh đủ điều kiện xét học bạ là từ 21 đến 29,52, trong đó mức 21 chỉ áp dụng với ngành Luật đào tạo ở phân hiệu Đắk Lắk. Các ngành đào tạo ở trụ sở chính Hà Nội lấy từ 24,69. Thí sinh dùng tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) xét vào ngành Luật kinh tế phải đạt 29,52 điểm mới trúng tuyển. Với tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), mức đầu vào thấp hơn một chút - 29,1.

Tương tự, sau 3 ngày gửi kết quả tới email cá nhân của thí sinh, tối 20/7, trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của ba phương thức.

Về mức điểm xét tuyển, các ngành tại trụ sở chính Hà Nội lấy điểm chuẩn cao nhất, đều từ 24 trở lên, trong đó phổ biến mức 26-28. Đây cũng là cơ sở duy nhất có năm chương trình lấy điểm chuẩn từ 30 trở lên, gồm Truyền thông Marketing tích hợp, Marketing số, Kinh tế đối ngoại, Thương mại quốc tế (cùng 30), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng quốc tế (30,5). Cơ sở TP HCM cũng có hai ngành nhóm Marketing và Kinh doanh quốc tế lấy điểm chuẩn 30 và 30,5; đều áp dụng với thí sinh xét học bạ và có giải học sinh giỏi.

Ngưỡng trúng tuyển thấp nhất là 24 điểm, rải rác tại một số chương trình như Tiếng Nhật thương mại (trụ sở Hà Nội), Kinh doanh quốc tế, Kế toán - Kiểm toán (cơ sở Quảng Ninh). Các ngành và phương thức khác chủ yếu lấy điểm chuẩn 25-29.

Cũng vậy, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tính theo thang điểm 30, có đến 3 ngành có mức điểm chuẩn vượt trần là 30,5 điểm.

Điểm cao do xét tuyển học bạ kết hợp với các quy định khác

Trước điểm xét tuyển cao như trên, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại. Các chuyên gia cho rằng việc điểm xét tuyển cao như trên đặt ra các vấn đề: với tổng điểm toàn trên… 9 thì liệu kết quả học tập của học sinh đã thực sự đã được đánh giá chính xác chưa, đồng thời điểm chuẩn quá cao tạo ra tâm lý bất ổn cho các thí sinh khác.

Về việc này, nhiều lập luận cho rằng thực tế chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều, tình trạng quản lý lỏng lẻo, việc xét tuyển nguyên kết quả học bạ là phương thức chưa đủ độ tin cậy và tạo lòng tin với xã hội.

Cũng có ý kiến cho rằng, các trường không nên lạm dụng phương thức xét tuyển học bạ. Kết quả học bạ chỉ nên là một phần trong việc đánh giá các mặt của thí sinh, nó chỉ nên đóng vai trò tiêu chí phụ khi xét tuyển đầu vào…

Lý giải tình trạng này, PGS.TS Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng điểm chuẩn một số ngành của trường năm nay trên 30 không phải bất thường. Bởi ông cho biết, trường không sử dụng phương thức xét học bạ đơn thuần mà kết hợp với quy định khác. Cụ thể, xét học bạ là căn cứ đầu tiên, tiếp theo là điểm cộng ưu tiên. Những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trường chuyên... sẽ được cộng 3 - 10 điểm vào điểm xét tuyển.

Tại Đại học Văn hóa, với ngành Báo chí, thí sinh được điểm cộng khi có tác phẩm xuất bản trên báo. Với khối ngành nghệ thuật, thí sinh được cộng điểm nếu có giải trong các cuộc thi nghệ thuật trên toàn quốc.

Tương tự như trường ĐH Văn hóa, điểm xét tuyển của Học viện Ngoại giao cũng tổng hòa nhiều yếu tố. Theo đó, điểm chuẩn học bạ hầu hết ngành từ 30 trở lên. Ngành Truyền thông quốc tế (tổ hợp C00: Văn, Sử, Địa) lấy tới 32,18, còn lại phổ biến 30-31. Mức này là tổng điểm trung bình ba môn trong ba học kỳ theo tổ hợp (tối đa 30) và điểm ưu tiên.

Lưu ý, điểm ưu tiên ở đây không chỉ là tối đa 2,75 (ưu tiên đối tượng và khu vực) theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn bao gồm một số điểm rất lớn theo quy định riêng của trường, dựa trên thành tích học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế.

Hoặc như Đại học Ngoại thương, ngoài tổng điểm trung bình cộng ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy chế của Bộ, thí sinh được cộng tối đa 4 điểm nếu có giải học sinh giỏi quốc gia. Với cách tính đó, năm ngành của trường này đào tạo tại Hà Nội và hai ngành tại TP HCM lấy điểm chuẩn 30-30,5.

Trường ĐH KHXH&NV và Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM công bố điểm chuẩn
Những điều cần biết về đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động