Thứ hai 29/04/2024 02:02

Tháng cao điểm nắng nóng, đề phòng nguy cơ cháy nổ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tình hình cháy nổ đang diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua, nhất là bước vào những tháng cao điểm nắng nóng.

Khoảng 12g30 ngày 21-5, một số người dân sinh sống tại các tòa nhà khu tập thể Vĩnh Hồ (quận Đống Đa, Hà Nội) bỗng tỉnh giấc bởi một đám cháy lớn xuất phát từ tầng 1. Ngọn lửa thiêu rụi căn hộ tại tầng 1 nhưng nhiều hộ dân sinh sống cùng dãy nhà vẫn ngủ say và không hay biết. Chủ căn hộ không có nhà. Một số người dân phát hiện sớm sự việc vừa hô hào, vừa dùng các vật cứng ném vào cửa các căn hộ xung quanh để cảnh báo.

May mắn, khi đám cháy bắt đầu lan rộng, người dân sinh sống tại các căn hộ xung quanh đã kịp thời chạy ra ngoài. Ngọn lửa đã thiêu rụi căn hộ tầng 1 và một phần căn hộ của tầng 2, tầng 3 của dãy nhà trước khi được lực lượng cứu hỏa dập tắt. Điều đáng nói, đám cháy xảy ra vào thời gian Hà Nội trải qua những ngày nắng nóng nhất từ đầu năm đến nay. Đây cũng là khu tập thể cũ được xây dựng từ thế kỷ trước với hệ thống dây điện chằng chịt cũ kỹ.

thang cao diem nang nong de phong nguy co chay no
Hiện trường vụ cháy quán cà phê khiến 2 người tử vong. Ảnh: Quốc Doanh

Trước đó, sáng 18-5, người dân phát hiện lửa và khói bao trùm ngôi nhà ống 5 tầng tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội, đã tri hô và thông báo cho lực lượng cứu hỏa. Nhận được thông tin, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) huyện Đông Anh đã điều động phương tiện và cán bộ chiến sĩ đến làm nhiệm vụ cứu nạn, dập lửa. Nhiều lực lượng thuộc xã Nam Hồng cùng chính quyền huyện Đông Anh cũng có mặt kịp thời, chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn.

Hiện trường vụ cháy trước đây là quán kinh doanh karaoke nhưng đã dừng hoạt động và chuyển sang bán cà phê. Tuy nhiên, do nơi xảy ra vụ cháy chứa nhiều vật liệu bắt lửa như mút xốp, đồ đạc… nên ngọn lửa bùng phát nhanh và cháy lớn, tạo khói độc bao trùm từ tầng 1 đến tầng tum của ngôi nhà. Khi có mặt, lực lượng chữa cháy phải tiếp cận nhiều phía, từ nhà lân cận sang ban công để phá cửa kính các tầng, tìm kiếm cứu nạn. Thời điểm tiếp cận, lực lượng chức năng phát hiện có hai nạn nhân tử vong.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), CA TP Hà Nội, quý I-2019, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP đã có những chuyển biến, giảm về số vụ. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến rất phức tạp. Số vụ cháy chủ yếu xảy ra trong khu vực nội thành (chiếm 70,1%) và nguyên nhân gây cháy do điện vẫn chiếm tỷ lệ cao (109/164 vụ); thiệt hại về người tăng so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, từ ngày 16-11-2018 đến ngày 15-2-2019, trên địa bàn TP xảy ra 164 vụ cháy làm 3 người chết, 7 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 17 tỷ đồng. Ngoài ra, có 153 vụ chập điện trên cột, 238 sự cố chập điện trong nhà dân, cháy bãi phế liệu không gây cháy lan; thiệt hại không đáng kể. So với 3 tháng trước, trên địa bàn giảm 50 vụ; giảm 1 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm khoảng 35 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2018 giảm 40 vụ cháy, tăng 1 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm khoảng 125 tỷ đồng.

Hà Nội cũng là khu vực tập trung đông dân cư, nhiều nhà cao tầng, việc sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một thời điểm sẽ phát sinh quá tải kèm theo đó là hệ thống dây dẫn điện chằng chịt và cũ, khi sử dụng gây chập cháy. Mặt khác, hệ thống điện của khu dân cư hiện đang lắp đặt quá nhiều các phụ kiện, dẫn đến quá tải. Đại diện Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, các vụ cháy trong thời điểm mùa hè nắng nóng, đa số nguyên nhân xuất phát từ sự cố chập điện. Chính vì vậy, trong công tác PCCC cần lưu ý kiểm tra hệ thống điện thường xuyên đặc biệt là các cơ sở sản xuất, nếu quá trình kiểm tra phát hiện đường dây và các thiết bị điện cũ, hỏng thì phải thay thế kịp thời. Việc thay thế đường dây phải tiến hành thường xuyên hoặc định kỳ, đặc biệt là sau một thời gian không sử dụng.

Đối với mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh tăng đột biến dễ phát sinh cháy nổ, đặc biệt với các thiết bị điện hoạt động trong môi trường nắng nóng hay những cơ sở sản xuất kinh doanh đã lâu, có thiết bị điện không đảm bảo an toàn PCCC. Việc xảy ra sự cố chủ yếu do trách nhiệm của người đứng đầu, chủ cơ sở chưa quan tâm đến công tác PCCC, chưa thường xuyên kiểm tra trang thiết bị PCCC, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn PCCC.

Bên cạnh đó, sự bất cẩn của con người trong quá trình sử dụng các thiết bị điện dẫn đến các sự cố về quá tải, chập điện xảy ra và sự bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình đun nấu, thắp hương, thờ cúng… khiến nguy cơ cháy, nổ tăng cao.

Để đảm bảo an toàn PCCC trong mùa nắng nóng, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện phát an toàn mùa nắng nóng. Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC; không dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải. Đồng thời, chủ sử dụng phải thường xuyên và định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện. Mỗi cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình cần bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lô gia, lối lên mái.

Với hộ gia đình, không sử dụng nhiều thiết bị điện trong cùng một thời điểm; thắp hương, thờ cúng đúng nơi quy định và phải có người giám sát. Với các cơ quan, DN, xưởng sản xuất, nên tăng cường tự kiểm tra công tác PCCC; kiểm tra, bảo dưỡng, trang bị phương tiện PCCC; sắp xếp, bố trí hàng hóa gọn gàng, không cản trở lối thoát nạn, định kỳ bảo dưỡng các phương tiện PCCC; thường xuyên tập huấn cho các đơn vị PCCC cơ sở.

Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động