Chủ nhật 05/05/2024 23:01

Thách thức về đổi mới, đào tạo giáo viên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm qua, việc sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm, việc tăng chất lượng đầu vào, việc có ưu đãi cho sinh viên sư phạm để thu hút người tài cho sự nghiệp giáo dục đã được tính đến, có chính sách gợi mở, và đã có những quy định chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đổi mới căn cơ của ngành sư phạm suy cho cùng vẫn là chất lượng đầu ra, chế độ chính sách cho những nhà giáo. Bởi dù có làm tốt đầu vào bao nhiêu, nhưng đầu ra và chế độ việc làm không đảm bảo thì việc thu hút người tài vào ngành giáo dục vẫn… khó.

Cơ hội việc làm vẫn là một băn khoăn

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước đang có 113 cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm 14 trường ĐH sư phạm, 48 trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên, 30 trường CĐ sư phạm, 19 trường CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp (TC) sư phạm. Cùng với đó là 40 trường TC đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non.

Bộ GD&ĐT với sự tư vấn của các trường sư phạm đã xây dựng được bộ chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Các trường sư phạm căn cứ vào chuẩn đó để đào tạo, hướng tới sự chuẩn hóa ngay trong quá trình đào tạo, chứ không phải chờ ra trường mới bồi dưỡng. Nhưng cũng như nhiều nhóm ngành khác của bậc đào tạo ĐH, chuẩn đã được xây dựng, trường đào tạo có cam kết đầu ra, nhưng cơ hội việc làm vẫn… yếu.

Với sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đi đâu về đâu luôn là một bài toán khó. Hàng năm, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp đều tăng. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên tiểu học, THCS, THPT về cơ bản gần như đã đủ, thậm chí thừa ở một số bộ môn, một số nơi và một số cấp học như thống kê của nhiều địa phương.

Việc thiếu giáo viên xảy ra cục bộ, ở một số địa phương, chủ yếu ở khối mầm non và một số môn của khối tiểu học, như vậy, quy hoạch đào tạo theo yêu cầu phải tính toán cụ thể, chi tiết, chứ không đơn giản chỉ là các trường cứ tăng sinh viên, cứ đào tạo theo những gì mình có.

Trong khi đó, giáo viên bậc học mầm non lại thiếu trên 30 nghìn người (tính chung cả nước) nhưng sinh viên theo học ngành này lại không mặn mà với nghề sau khi ra trường do đây là công việc được nhìn nhận là áp lực và vất vả.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa, quan tâm thực sự tới việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, sinh viên sư phạm sẽ an tâm hơn rất nhiều về điều kiện học tập và công việc sau khi tốt nghiệp nếu các địa phương chú trọng việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên phù hợp với yêu cầu của địa phương mình.

thach thuc ve doi moi dao tao giao vien

Đổi mới chất lượng đào tạo, đảm bảo đầu ra và chế độ việc làm tốt thì việc thu hút người tài vào sư phạm mới thực sự có chuyển biến. Ảnh: P.T

Chính sách lương đối với nhà giáo cần có sự thay đổi

Hiện đã có Nghị định về việc UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định chung tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ. Theo đó, căn cứ vào nhu cầu sử dụng giáo viên tại địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cơ chế tuyển dụng học sinh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp theo quy định của pháp luật để tuyển dụng công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Việc đào tạo theo nhu cầu này sẽ tránh được những lãng phí không cần thiết với nhân lực ngành sư phạm. Ngân sách Nhà nước sẽ không bị lãng phí, sinh viên ra trường không phải sống trong cảnh thất nghiệp và rơi vào cảnh phải bồi hoàn học phí và chi phí hỗ trợ.

Theo quy định mới, sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng và cả phần học phí. Đây là sự hỗ trợ không nhỏ để thu hút đầu vào, nhưng các chuyên gia cho rằng, chế độ chính sách tiền lương, đảm bảo công việc cho nhà giáo sau khi tốt nghiệp mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Ông Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, lương giáo viên vừa tốt nghiệp ĐH vào khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Mức lương này nếu sống ở TP với nhà cửa sẵn có thì cũng có thể “cầm cự” được. Nhưng nếu phải đi thuê nhà thì thực sự khó khăn. Vì thế muốn hút người tài vào sư phạm, một trong những việc cần giải quyết đó là bài toán việc làm và cơ chế lương, thưởng.

Ý kiến của nhiều thầy cô giáo cũng cho biết, nếu tính theo bậc lương chung, mức lương của thầy cô mới ra trường đi làm trong 5 năm đầu rất khó đảm bảo cuộc sống (trong khi đây là giai đoạn quan trọng nhất để tạo sự gắn bó, quyết tâm theo nghề), nhiều thầy cô phải “xoay xở” bằng các hoạt động khác như tiền làm thêm giờ, chăm sóc bán trú… nhưng không phải trường nào, địa phương nào cũng có điều kiện như nhau. Và nếu chọn giải pháp làm thêm việc khác, thì quá tải, bởi việc dạy và học trên lớp đã rất vất vả rồi.

Theo Bộ GD&ĐT, thực hiện lộ trình xây dựng chính sách tiền lương mới theo nhiệm vụ Ban chỉ đạo của Chính phủ giao, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành Giáo dục, với tinh thần đổi mới, công bằng, tạo được động lực, tránh bình quân, cào bằng. Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngoài được hưởng lương theo vị trí việc làm thì phụ cấp theo ngành nghề, ưu đãi đặc thù cũng phải được bảo đảm.

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động