Tết nay vương vấn Tết xưa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTranh: Hoàng Gia Linh. |
Sắm Tết là một trong những việc được các bà các mẹ quan tâm và rục rịch chuẩn bị từ quãng sau rằm tháng Chạp. Tôi là một đứa trẻ lớn lên trong thời bao cấp ở Hà Nội. Vậy nên, với tôi, Tết bắt đầu hiện hữu trong nhà là khi mẹ tôi đi mua túi quà Tết trở về. Anh em chúng tôi thường sán vào, ngắm nghía từng món đồ mẹ dỡ ra. Tôi thích nhất hộp mứt Tết màu hồng nhạt có vẽ hình hoa đào. Trong hộp thường có ít mứt lạc “trứng chim”, mứt bí, mứt gừng, mứt cà rốt... Anh trai tôi thì lại thích bánh pháo hồng tươi. Trong túi quà còn có cả thuốc lá, trà, rượu, kẹo, bóng, miến, hạt tiêu, mì chính... Mẹ tôi cẩn thận cất kỹ các món đồ chuẩn bị cho Tết.
Giờ đây, khi Tết đến, các bà các mẹ không phải đi xếp hàng để mua hàng Tết như trước. Các loại bánh, mứt, kẹo, thực phẩm ngày càng nhiều và đa dạng được bán rộng rãi trên thị trường. Thậm chí, nếu bận rộn, thay vì đi chợ trực tiếp, người nội trợ có thể mua sắm trực tuyến, đặt hàng trên mạng rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian.
Dọn nhà đón Tết luôn mang đến cảm giác chộn rộn, háo hức cho tôi. Giáp Tết, khi chúng tôi đã được nhà trường cho nghỉ học, mẹ tôi thường chọn một ngày để cả nhà cùng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón năm mới. Ngày hôm đó thật vui, mỗi người một việc. Anh trai tôi phụ giúp bố quét vôi mặt ngoài của ngôi nhà và các trụ cổng, bờ tường. Tôi và mẹ lau chùi, dọn dẹp trong bếp, các phòng trên nhà sạch sẽ tinh tươm.
Sau này, khi đã lập gia đình, tôi thuê giúp việc và chị thường lau dọn nhà cửa sạch sẽ trước khi về quê nghỉ Tết. Khi các con đã lớn, tôi thuê giúp việc theo giờ. Chỉ cần ngồi tại nhà, dùng điện thoại kết nối với các trung tâm giúp việc qua mạng xã hội, tôi có thể thuê người đến dọn nhà một cách nhanh gọn, chuyên nghiệp. Vậy mới thấy, kỹ thuật số thật tiện ích.
Ký ức Tết của tôi ghi dấu ấn sâu đậm với những ngày gói bánh chưng. Tôi mãi nhớ đôi bàn tay của mẹ cóng đỏ trong giá lạnh ngày cuối năm khi vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong ngoài máy nước công cộng. Nhớ dáng của bố ngồi tỉ mẩn tước lá, chẻ lạt dưới ánh đèn vàng trong khi mẹ đồ đỗ, ướp thịt làm nhân bánh. Bố tôi gói bánh nhanh và chắc tay. Khi nào bố cũng nhớ gói cho anh em tôi hai chiếc bánh chưng bé xinh. Đêm luộc bánh chưng trong khu tập thể luôn vui rộn ràng khi các gia đình cùng quây quần uống trà, nhấm nháp ngô rang, hạt bí. Lũ trẻ chúng tôi lăng xăng chạy chơi và thường được các bà các mẹ nướng cho ít khoai, sắn nóng hổi để ăn.
Đã rất lâu, tôi không còn được hưởng cảm giác gói bánh chưng tại nhà. Cuộc sống mưu sinh đè nặng áp lực trong những ngày giáp Tết khiến quỹ thời gian của tôi hạn hẹp. Tôi thường đặt bánh chưng ở một hàng khá nổi tiếng. Thế nhưng... thật lạ, tôi không thể tìm lại được hương vị chiếc bánh chưng của bố gói ngày xưa.
Với người Hà thành, hoa ngày Tết mang một sắc thái riêng. Sáng ba mươi tháng Chạp, tôi thường được mẹ cho đi chợ hoa Tết. Vừa đi, mẹ vừa dạy tôi cách chọn hoa sao cho đẹp, cách “hãm” sao cho hoa tươi lâu. Phố Hàng Lược rực rỡ, kỳ ảo trong làn mưa bụi. Các cành đào bích, đào phai đất Nhật Tân, Nghi Tàm ngậm nụ chúm chím khoe sắc bên những chậu quất Tứ Liên căng mọng chín vàng. Đi thêm một đoạn là đến phố Hàng Khoai, hai mẹ con tôi cùng chọn những loại hoa để cắm một bình hoa cổ truyền.
Ngày Tết, dù chơi nhiều loại hoa, cây cảnh cầu kỳ nhưng trong phòng khách của người Hà Nội không thể thiếu một bình hoa cổ truyền với sự kết hợp hài hòa, tinh tế về màu sắc và kiểu dáng như: Thược dược rực rỡ, lay-ơn cứng cáp, violet tím nhạt, hoa cánh bướm dịu dàng, hoa đồng tiền đơn đỏ thắm, đồng tiền kép hồng nhạt... Ngắm bình hoa như thấy cả mùa xuân hiển hiện trong nhà.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều loài hoa từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam. Không chỉ hoa, mà các loại cây trái tạo hình độc đáo cũng được bán rộng rãi vào dịp Tết như: Xoài in chữ, dưa hấu vuông, đào bonsai, bưởi thỏi vàng... Dù vậy, tôi vẫn giữ nếp xưa, Tết nào cũng cắm một bình hoa cổ truyền trong phòng khách. Thấy hoa là thấy Tết.
Cỗ Tết của người Hà thành được chế biến khá cầu kỳ, tinh tế, thể hiện lòng thành kính của con cháu dâng lên gia tiên. Cách thức bày biện mâm cỗ thể hiện tài nội trợ của người phụ nữ trong gia đình. Thật thú vị khi cả mâm cỗ như một bức tranh đa sắc màu. Xôi gấc đỏ tươi bên gà luộc vàng óng, bánh chưng xanh mướt, giò chả tỉa hoa bày biện cách điệu, mọc vân ám ngũ sắc, canh bóng nấu thả...
Theo thời gian, mâm cỗ bây giờ đã giản tiện đi nhiều và một số món chỉ còn rất ít người biết nấu. Tôi thật sự xúc động khi biết rằng, những người bạn của tôi nơi xa xứ vẫn gắng giữ nếp nhà, neo giữ hồn quê qua những món ăn, phong tục truyền thống vào dịp Tết. Các bạn đã có những khúc “biến tấu” khá ngoạn mục từ nguyên liệu phương xa để có được hương vị quê nhà.
Theo phong tục, sáng mồng một còn gọi là ngày “Chính đán”, trẻ con chúng tôi súng xính trong quần áo mới, lễ phép chúc tụng ông bà bố mẹ và nhận tiền mừng tuổi từ người lớn. Hàng xóm, anh em bạn bè đến nhà nhau chúc tụng trong mấy ngày Tết. Sự phát triển của mạng xã hội đã thay đổi mạnh mẽ phong tục này. Thay vì đến nhà nhau, mọi người thường gửi lời chúc, thiệp chúc mừng năm mới qua điện thoại. Nhiều người cách xa nửa vòng trái đất vẫn cảm thấy gần gũi, ấm áp tình thân khi có thể gọi điện thoại thấy hình, nói chuyện với gia đình, người thân vào dịp Tết.
Việc chụp hình trong dịp Tết cũng có nhiều thay đổi. Trước đây, khi đi chơi, chúng ta thường gọi người chụp ảnh dạo ở địa điểm đó chụp và nhận ảnh sau vài ngày. Bây giờ, với chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể lưu lại khoảnh khắc đẹp của hiện tại và xem hình ngay lập tức. Có điều, đôi khi, vì mải chụp hình, giao lưu trên không gian mạng mà chúng ta quên giao tiếp với nhau.
Dẫu thời gian trôi, Tết nay có nhiều thay đổi tiện ích nhưng Tết xưa với những phong tục truyền thống tốt đẹp vẫn mãi lưu luyến trong tim tôi với bao kỷ niệm thân thương không thể lãng quên.
Tết Nguyên đán năm 2023 là Tết Nguyên đán đến sớm thứ hai trong thế kỷ này | |
Ấm áp chương trình “Xuân Vạn Phúc - Tết yêu thương” | |
Hương vị Tết xưa ở các khu chung cư hiện đại |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại