Thứ sáu 08/11/2024 12:33

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phạm nhân được đặc xá về nơi cư trú

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 31-8-2021, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ khi Luật Đặc xá sửa đổi năm 2018 có hiệu lực, đây là lần đầu tiên sau 4 năm, Chủ tịch nước quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị phạt tù có thời hạn, án tù chung thân giảm xuống tù có thời hạn.

Ngày 1-9: Sẽ cấp Giấy chứng nhận đặc xá

Theo Quyết định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá lần này. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9-2021.

Văn phòng Chủ tịch nước khẳng định, đợt đặc xá năm nay được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng và đúng pháp luật. Tuy điều kiện, trình tự được chặt chẽ hơn song diện đối tượng được hưởng đặc xá cũng được mở rộng. Điều này thể hiện rõ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải trở thành người có ích.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phạm nhân được đặc xá về nơi cư trú

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: TTXVN

“Việc đặc xá cho những phạm nhân là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, chính sách nhân đạo đó không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn mà còn thể hiện việc tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá, tha tù tái hòa nhập cộng đồng...”, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành và các tỉnh thành tạo điều kiện cho những người được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng. Trong đó, ngay trước khi được đặc xá, những người này đã được học nghề và học tập kiến thức xã hội và kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng. Chính quyền địa phương không được phân biệt đối xử với người được đặc xá trong các chính sách xã hội, tạo công ăn việc làm, vay vốn kinh doanh sản xuất...

Theo kế hoạch, sáng 1-9, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng sẽ tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch nước và cấp Giấy chứng nhận đặc xá cho những người được đặc xá năm nay, để họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình trong dịp Quốc khánh 2-9.

Hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm, tái hòa nhập cộng đồng

Trước đó, Ban chỉ đạo về đặc xá của Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến đến công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các trại giam thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng để triển khai kế hoạch công bố quyết định đặc xá năm 2021 và tổ chức bàn giao, tiếp nhận người được đặc xá về nơi cư trú.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phạm nhân được đặc xá về nơi cư trú an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp, Bộ Công an đã ban hành phương án tổ chức tha phạm nhân được đặc xá năm 2021.

Theo đó, việc tha phạm nhân được đặc xá phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; không để dịch bệnh lây lan vào các cơ sở giam giữ, không để phạm nhân được đặc xá không về được nơi cư trú hoặc vi phạm quy định phòng, chống dịch hoặc không có nơi cư trú.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phạm nhân được đặc xá về nơi cư trú
Người đặc xá được tạo điều kiện học nghề, hướng nghiệp, bố trí công ăn việc làm để tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc tha phạm nhân đặc xá phải bám sát chỉ đạo của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng như chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công an về phòng, chống dịch.

Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ phối hợp với công an các tỉnh, thành phố và các cơ sở giam giữ để đưa người được đặc xá về nơi cư trú an toàn, đảm bảo nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch.

Bộ Công an đề nghị các địa phương chủ động bàn giao, tiếp nhận người được đặc xá về nơi cư trú, đặc biệt tại các địa bàn đang giãn cách xã hội. Đồng thời, công an tại các địa phương tiếp nhận người đặc xá thực hiện ngay việc cấp lại căn cước công dân cho họ.

Các địa phương cũng được yêu cầu đăng ký ngay cho người đặc xá vào những nơi học nghề, hướng nghiệp, bố trí công ăn việc làm để tái hòa nhập cộng đồng và hạn chế tái phạm.

Theo Bộ Công an, Việt Nam đang có khoảng 100.000 phạm nhân đang thi hành án. Ngoài ra, ở Việt Nam đang có 600 phạm nhân người nước ngoài, gồm khoảng 28 quốc tịch đang bị giam giữ.

Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động