Thứ sáu 22/11/2024 03:20
Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: thời điểm phù hợp để triển khai dự án

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, 350 km/h dự kiến sẽ hoàn thành năm 2035 sẽ là một bước đột phá lớn không chỉ với hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới, mà còn là bước tiến quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trên thế giới.
Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: thời điểm phù hợp để triển khai dự án
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy tại Tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức". Ảnh: VGP

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Phát biểu tại tọa đàm, "Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức” được tổ chức ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho rằng, bất kỳ dự án đầu tư nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu 18 năm. Đến thời điểm hiện nay, trong quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, chúng ta đã dự báo lại trên nhu cầu thực tiễn là trên hành lang Bắc-Nam, nhu cầu vận tải cả hàng hóa và hành khách lớn nhất. Có thể nói, chúng ta có đặc điểm địa kinh tế phân bố các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp lớn, các khu kinh tế lớn đều tập trung vào khu vực duyên hải.

“Chúng ta có lợi thế vận tải hàng hóa đường biển, vì theo nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước, chi phí vận tải biển vẫn là chi phí rẻ nhất trong vận tải hàng hóa. Qua nghiên cứu, xét về ưu thế, cự ly trên 1.000km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cự ly dưới 1.000km phải là phương thức vận tải đường sắt. Hơn nữa, ở thời điểm này, quy mô nền kinh tế của chúng ta đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (năm 2023). Các điều kiện về nguồn lực của chúng ta cơ bản không phải là thách thức lớn” - Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Việc lựa chọn tốc độ 350km/giờ và công năng sử dụng là vận tải hành khách, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho rằng, cơ bản là đã kiến giải qua 10 năm nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các nước trên thế giới cũng như các đoàn công tác liên ngành tham quan, học tập tại 6 nước có đường sắt tốc độ cao phát triển. Những vấn đề này đến nay đã được kiến giải một cách rõ ràng. Như vậy đây là thời điểm thích hợp để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư.

Ga Hà Nội là nhà ga đường sắt chính của Hà Nội. Ảnh minh họa: Khánh Huy
Ga Hà Nội là nhà ga đường sắt chính của Hà Nội. Ảnh minh họa: Khánh Huy

Đã đầy đủ cơ sở để triển khai

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương, thực tế người dân cũng như sự quyết tâm của hệ thống chính trị đã thể hiện mong muốn có tuyến đường sắt tốc độ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Về cơ sở chính trị, đã có các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị về việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao từ nay đến năm 2035. Đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt tốc độ cao làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP.

Đưa ra quan điểm về tính cấp thiết của dự án này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phan Đức Hiếu cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để triển khai dự án, cả về điều kiện, năng lực... nước ta đang trên đà phát triển, thu nhập sẽ tăng. “Tôi cho rằng, mấu chốt quan trọng của chúng ta làm đề án này là tạo thêm phương thức vận tải thứ 5 và thông qua đó, chúng ta tối ưu hóa các phương thức vận tải và như vậy sẽ góp phần tối ưu hóa chi phí vận tải cũng như thời gian và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các chủ thể, từ hành khách đến vận tải hàng hóa” - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Về chuẩn bị tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bùi Văn Khắng cho biết, các bộ, ngành thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra 3 nhóm giải pháp và 4 nguồn lực điều hành tổng thể gồm: đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành kinh tế xã hội linh hoạt, hiệu quả để góp phần tăng thu ngân sách hàng năm với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước; điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả theo hướng triệt để tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; sửa đổi thể chế, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư.

Về 4 phương án huy động nguồn lực gồm: xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực; thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án; thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư; huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc. Với 3 giải pháp và 4 phương án huy động nguồn lực như thế, chúng ta tin tưởng rằng, công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Hoàng Gia Khánh nêu điểm mạnh của đường sắt tốc độ cao là độ an toàn cao, thời gian đi lại được xác định chính xác từng phút và tiện lợi thoải mái. Ngoài ra, các nhà ga đặt ở các khu trung tâm, khu phát triển dân số đông cũng tạo thuận lợi cho hành khách đi lại so với các hình thức giao thông khác. Bên cạnh đó, đường sắt này điện khí hóa, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả về môi trường...
Hà Nội: từ ngày 1/11 sẽ khôi phục hoạt động sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân thận trọng khi mua hàng ở Temu, Shein và 1688
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động