Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về con nuôi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đánh giá của Bộ Tư pháp, qua 10 năm, việc thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 đã góp phần giúp nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt |
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, qua 10 năm, việc thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 đã góp phần giúp nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt. Đồng thời, góp phần giúp nhiều người, đặc biệt là các cặp vợ chồng hiếm muộn được hiện thực hóa ước mơ trở thành cha mẹ.
Theo Báo cáo đánh giá kết quả thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay trên toàn quốc, kể từ khi thực hiện luật, trên toàn quốc đã giải quyết cho 26.623 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi trong nước (gấp gần 7 lần so với số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài). Trong giai đoạn 2011-2020, giải quyết cho 3.896 trẻ em làm con nuôi nước ngoài, về cơ bản tuân thủ đúng luật định.
Qua kiểm tra và khảo sát năm 2021, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch đã ý thức rõ nét hơn về công tác theo dõi việc nuôi con nuôi. Cha mẹ nuôi nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc thông báo tình hình phát triển của con nuôi. Trẻ em được nhận làm con nuôi đều được nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển tốt.
Báo cáo từ nhiều địa phương cho thấy, việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về con nuôi đã giúp cho việc thực hiện vấn đề này có hiệu quả hơn.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết: 6 tháng đầu năm, đã giải quyết 7 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (trong đó có 1 trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng và 6 trường hợp trẻ em ở gia đình) và 58 trường hợp nuôi con nuôi trong nước.
UBND TP đã chỉ đạo tổng kết việc thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế; chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng TTHC liên thông lĩnh vực nuôi con nuôi trong nước và cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Theo đó, để đảm bảo hiệu quả thi hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 5-3-2019 của Chính phủ, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động-Thương binh & Xã hội và hướng dẫn phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định.
Để việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài đảm bảo chặt chẽ, khách quan, phù hợp với nhu cầu và lợi ích tốt nhất của trẻ em theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21-3-2011 của Chính phủ, UBND TP ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Nhận thức được tầm quan trọng của luật và các văn bản hướng dẫn liên quan, các cơ sở đã xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn một cách phù hợp.
Tại tỉnh Nam Định, trong giai đoạn 2011 - 2020, có 345 trẻ em được nhận nuôi ở trong nước và 30 trẻ em được nhận nuôi ở nước ngoài. Công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn, bồi dưỡng về pháp luật, nghiệp vụ nuôi con nuôi luôn được UBND các cấp, các Sở, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, thực hiện.
Còn UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, chỉ rõ nguyên nhân và tìm ra các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nuôi con nuôi từ đó có những đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Để đảm bảo việc thực hiện một cách đồng bộ và đạt hiệu quả, ngay sau khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Qua 10 năm thực hiện, việc tiếp nhận và giải quyết đăng ký nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-1-2011/31-12-2020 đã giải quyết 262 trường hợp nuôi con nuôi trong nước; 91 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Hầu hết, các trường hợp nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh, đều sống trong môi trường tốt.
Đồng thời, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về nuôi con nuôi luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo kịp thời, tổ chức lồng ghép với các quy định của pháp luật có liên quan thiết thực với đời sống nhân dân.
Công tác phối hợp liên ngành tại các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh luôn có sự phối hợp nhịp nhàng, quản lý chặt chẽ. Để phát huy công tác phối hợp đó đảm bảo kịp thời trong việc nuôi dưỡng và giải quyết hồ sơ của trẻ khi được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh nhầm phân công cụ thể nhiệm vụ của các cấp, các ngành thực hiện việc phối hợp tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng: Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, các địa phương, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với phương châm “Dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em”. Đồng thời, đánh giá kỹ hơn khả năng thi hành trên thực tiễn để từ đó, hoàn thiện Luật Nuôi con nuôi nhằm tạo hành lang pháp lý cho trẻ em khi được nhận nuôi. Các bộ, ngành Trung ương tích cực trao đổi thông tin về nuôi con nuôi; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi; tăng cường hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại