Thứ hai 29/04/2024 11:42

Gỡ vướng trong thi hành Luật Nuôi con nuôi bằng giải pháp tăng cường phổ biến pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, chúng ta đã những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em. Tuy nhiên, việc triển khai nuôi con nuôi vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc...
Gỡ vướng trong thi hành Luật Nuôi con nuôi bằng giải pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau. Ảnh minh hoạ

Theo đánh giá của các địa phương, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song nuôi con nuôi vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Trong đó có không ít trường hợp cho nhận con tùy tiện, có khi là các hình thức buôn bán trẻ trá hình.

Theo quy định tại Điều 21 của Luật Nuôi con nuôi, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi. Nhưng thực tế lại phát sinh những trường hợp cho nhận con nuôi rất tùy tiện, như: Sau khi sinh con, cha mẹ đẻ vì lý do nào đó cho con làm con nuôi có thể là trao tay, giấy viết tay..., mà không để lại địa chỉ, thậm chí để lại địa chỉ giả. Do đó, khi tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, các cấp chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ với cha, mẹ đẻ để lấy ý kiến và phải mất nhiều thời gian để xác minh.

Việc thay đổi hộ tịch cho con nuôi cũng gặp không ít bất cập. Theo quy định tại khoản 3, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi. Tuy nhiên, những trường hợp trẻ em có cha, mẹ đẻ đồng ý cho làm con nuôi thì dân tộc của con nuôi không được thay đổi theo dân tộc của cha, mẹ nuôi, trong khi phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh đã được thay đổi, gây ảnh hưởng đến tâm lý của cả người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

Tại một số địa phương miền núi, biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nên vẫn còn tình trạng người dân tự thỏa thuận cho - nhận con nuôi mà không đến cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh. Đến khi trẻ đi học cần có giấy khai sinh thì người dân mới đi đăng ký khai sinh, nên việc đăng ký gặp khó khăn, không đảm bảo được quyền lợi các bên.

Đối với đăng ký con nuôi nước ngoài, việc tìm gia đình thay thế cho những trẻ em từ 5 tuổi trở lên gặp khó khăn hơn so với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở độ tuổi nhỏ, vì trẻ em càng lớn tuổi thì càng khó hòa nhập với gia đình cha, mẹ nuôi, thường mặc cảm tự ti, gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ...

Bởi vậy, để thực hiện Luật Nuôi con nuôi và các vấn đề khác liên quan đến con nuôi, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân phải được xem là giải pháp nguồn để quá trình triển khai thực hiện thực tế có hiệu quả.

Trên địa bàn TP Hà Nội, các đơn vị trực thuộc dưới hướng dẫn của Sở Tư pháp TP đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các pháp luật liên quan đến người dân.

UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức các hội nghị triển khai Kế hoạch số 271/KH-UBND về việc đăng ký nuôi con nuôi đến các đơn vị trực thuộc. Việc triển khai kế hoạch nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ cha mẹ và con, quan hệ gia đình; ngăn ngừa, hạn chế những tác động, tranh chấp phát sinh từ việc nuôi con nuôi thực tế, ổn định đời sống Nhân dân. Đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch ở địa phương.

Thế Vinh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động