Tạm hoãn thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế để thanh kiểm tra
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột loạt các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, HSK, Aptis... phải tạm dừng (ảnh minh họa) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản số 5871/BGDĐT-QLCL gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài.
Theo đó, trong thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.
Vì vậy, Bộ đề nghị các sở giáo dục và đào tạo tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương thực hiện một số nội dung để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đúng quy định hiện hành.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý các tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định.
Quyết định này được ban hành đã khiến một loạt các tổ chức quốc tế như Hội đồng Anh, IDP… và nhiều trung tâm đang tổ chức các kỳ thi IELTS, HSK, Aptis… phải ra thông báo tạm dừng tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ này từ ngày 10/11/2022. Một làn sóng phụ huynh, học sinh hết sức lo lắng trước vấn đề này.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng để trấn an người dân. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ...
Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay: Các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định. Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 86/2018 là 20 ngày).
Sau khi phê duyệt, Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại