Tái thiết đô thị cần sự chung tay của người dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều công trình biệt thự kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội đã bị xuống cấp. |
Chỉnh trang theo hướng văn minh
Theo các chuyên gia đô thị, những công trình kiến trúc có giá trị ở Hà Nội cần phải được bảo tồn, tôn tạo theo mô hình "bảo tồn thích ứng", nhằm gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội. Người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình đó, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần cốt lõi của công trình kiến trúc. Khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc, giảm các yếu tố cơi nới. Sắp xếp hợp lý với tầm nhìn ở các tuyến phố; chỉnh trang theo hướng văn minh; thống nhất thể loại, quy mô, kích thước. Các công trình di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng được gắn với các kế hoạch bảo tồn, tu bổ theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.
Đối với các công trình kiến trúc thời Pháp trong khu vực nội đô lịch sử, mặc dù có rất nhiều công trình chưa được công nhận là di sản nhưng lại có giá trị kiến trúc đặc biệt nên cần xây dựng các quy chế bảo vệ, phát huy. Theo đó, với ô phố công cộng và ô phố hỗn hợp, giải pháp cần thiết là ưu tiên bảo tồn, tôn tạo các công trình công cộng với không gian công cộng, tạo sự kết nối các không gian cảnh quan xung quanh…
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, để cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc vừa được UBND TP Hà Nội ban hành (QĐ 975/QĐ-UBND) là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch. Thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, đảm bảo chất lượng sống cho người dân. Việc có một Quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù sẽ làm cho công tác cải tạo tái thiết chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô có tính khả thi hơn.
Phát huy giá trị khu vực phố cổ, phố cũ
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, xuất phát từ góc nhìn kinh thế học di sản, chúng ta nên ưu tiên đầu tư các dự án bảo tồn cho các di tích có khả năng tạo ra nguồn thu trực tiếp bổ sung nguồn vốn tái đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Đã đến lúc phải tập trung đầu tư công cho những dự án mang tính tích hợp và bao trùm để biến di sản văn hoá từ dạng tài sản văn hoá - tài nguyên du lịch thành loại "hàng hoá đặc biệt" có giá trị kép cả về mặt văn hoá và kinh tế.
"Đó là chuỗi các sản phẩm du lịch đặc hữu, tour, tuyến du lịch riêng mang thương hiệu Hà Nội. Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Khu di tích Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn là những ví dụ điển hình cần được lan tỏa theo hướng bảo tồn gắn với phát triển du lịch và đầu tư liên ngành để có một sản phẩm hoàn chỉnh", PGS.TS Đặng Văn Bài cho hay.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, giải pháp cải tạo, chỉnh trang đô thị cũng cần chú ý đến việc giãn dân phố cổ và cần thực hiện đồng bộ nhiều. Trong đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt công tác bảo tồn khu phố cổ. Bên cạnh đó, phải xác định rõ các loại đối tượng giãn dân để có chính sách thích hợp từ chất lượng công trình đến địa điểm tái định cư. Nơi ở mới phải thuận tiện cho người dân, có chất lượng sống tốt hơn chỗ ở cũ trong nội đô và phải tạo điều kiện về sinh kế lâu dài; đồng thời, phải có những cơ chế, chính sách đền bù, tái định cư phù hợp. Chỉ khi đó, công tác giãn dân phố cổ mới có cơ hội phát triển bền vững.
Cùng với giãn dân, theo KTS Trần Ngọc Chính, việc phát triển các chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 kết hợp với những đô thị vệ tinh trong tương lai sẽ dần thu hút dân cư dịch chuyển, giúp kiểm soát được quy mô dân số theo đúng quy hoạch được duyệt.
Ngoài ra, TP cần tiếp tục xây dựng và triển khai quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị sau quy hoạch phân khu để phục vụ công tác kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phố cổ, phố cũ. Đối với việc "tái thiết đô thị", phải gắn liền với việc giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ quan, trường học không phù hợp quy hoạch, ra khỏi các di tích, trả lại cảnh quan, không gian văn hóa tâm linh. Chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ (lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng)…
Văn minh đô thị trước hết là từ ý thức của chính mỗi người dân |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại