Hoàn thiện biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo và 46 Hàng Bài: Mở lối cho các công trình biệt thự cũ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSau một năm trùng tu, căn biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo và 46 Hàng Bài đã có diện mạo mới. |
Cơ hội hồi sinh thêm nhiều biệt thự cũ
Những ngày gần đây, khi đi qua góc phố Trần Hưng Đạo - Hàng Bài, nhiều người ngạc nhiên khi công trình biệt thự Pháp (số 49 phố Trần Hưng Đạo, 46 phố Hàng Bài) được tu sửa khang trang. Đây là một tòa biệt thự 2 tầng, nằm trên khuôn viên khá rộng, với diện tích khoảng 990m2, là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Pháp ở Việt Nam. Trước khi tiến hành công tác bảo tồn, sửa chữa, các chuyên gia đã triển khai các hoạt động đánh giá hiện trạng, thám sát các lớp vật liệu để làm rõ các yếu tố nguyên gốc phục vụ cho trùng tu.
Quá trình này đem lại những kết quả thú vị. Thí dụ, như việc chủ nhà sử dụng những xà thép được nhập khẩu từ Pháp. Gạch lát sàn là loại gạch bông cũng chuyển từ Pháp sang với mặt dưới của gạch có con dấu của một công ty ở miền nam nước Pháp. Gạch xây công trình là loại gạch do người Pháp sản xuất nhưng ở tầng một tòa nhà được xây bằng nhiều loại gạch, trong đó có cả những viên gạch vồ, có thể là những viên gạch được dỡ ra từ tường thành Hà Nội khi thành bị phá. Đối với màu của biệt thự, sau khi bóc lớp vôi ve của biệt thự được quét lên sau nhiều lần cải tạo, các chuyên gia đã tìm được màu gốc, là màu vàng, xen kẽ màu vàng là những ô màu đỏ được kẻ chỉ để làm giả những viên gạch.
Có mặt trong khuôn viên biệt thự khi công trình đang đi vào giai đoạn sửa chữa cuối cùng, đại diện Vùng Ile-de-France, GĐ cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam Emmanuel Cerise cho biết: “Chúng tôi mời chuyên gia về công tác tu bổ để phục vụ cho công tác bảo tồn biệt thự. Chúng tôi luôn cố gắng giữ những đặc điểm gốc của công trình mà chúng tôi có được qua nghiên cứu. Một trong những đặc điểm đó là 2 màu vàng và màu đỏ như mọi người thấy. Những mảng đỏ được làm theo đúng kỹ thuật thời kỳ đó, đó là kẻ chỉ làm giả các viên gạch từ nền đỏ. Chúng tôi tiến hành công việc trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm gốc của công trình. Công trình vốn như thế nào, chúng ta hãy làm như thế. Màu sắc hiện nay cơ bản sẽ là màu sơn cuối cùng của biệt thự”.
Để di sản trở thành nguồn lực phát triển
Về phía các chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Biệt thự trước năm 1954 là quỹ di sản đặc trưng, là biểu hiện hội nhập văn hóa, một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của Hà Nội. Hà Nội không chỉ mời chuyên gia trong nước mà còn nước ngoài để nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị biệt thự.
Gần đây, TP còn đưa ra danh mục các công trình biệt thự có giá trị. Đây là quyết tâm lớn, gìn giữ, tạo bản sắc Hà Nội. Công trình biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo được TP chỉ đạo tiến hành một cách nghiêm túc, bám sát tính nguyên bản của biệt thự cho thấy quyết tâm của TP trong giữ gìn bản sắc kiến trúc không chỉ cho hôm nay và còn mai sau.
Ông Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, dự án cải tạo căn biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài là dự án mong đợi của các kiến trúc sư cũng như người dân Thủ đô, bởi đây là một công trình kiến trúc Pháp có ý nghĩa lịch sử vẫn còn giữ nét nguyên bản, hiện đang được thực hiện phục chế rất công phu.
"Các chuyên gia Việt Nam và Pháp đã dựa theo nghiên cứu tài liệu cũng như khảo sát thực tiễn để đưa ra các quyết định tu bổ theo màu gốc. Hiện tại, ngôi nhà đã được khoác lên chiếc áo mới cũng đã nhận được nhiều ý kiến, tuy nhiên đây là màu sắc nguyên bản trong thiết kế. Trước kia, các công trình của Hà Nội, kể cả công trình dân dụng của Hà Nội cũng chỉ có 2 màu vàng và đỏ. Do công trình chưa hoàn thiện về mặt cảnh quan nên chúng ta có thể thấy sắc độ của 2 màu có phần không tương thích. Dù là quét lại màu gốc nhưng vẫn cần một thời gian để công trình có màu thời gian như màu công trình gốc. Chuyên gia Pháp chọn màu như vậy dựa trên việc họ nắm bắt, nghiên cứu dữ liệu tiếng Pháp, từ nước Pháp về công trình này mà họ rất có lợi thế", ông Ánh cho hay.
Biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài là công trình biệt thự đầu tiên của Hà Nội được làm một cách bài bản. Quận Hoàn Kiếm cho biết, trong năm 2023, quận sẽ tu bổ 7 tòa biệt thự. Sau khi hoàn thành công tác tu bổ, quận Hoàn Kiếm sẽ phát huy giá trị công trình trở thành Trung tâm Giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội. Đây là một địa điểm thuận lợi để giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của khu phố cũ; là nơi gặp gỡ, trao đổi, kết nối giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và người dân tìm hiểu, tham quan về các giá trị di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc.
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, tiến độ thực hiện triển khai từ năm 2023 đến tháng 6/2025. Trong đó, năm 2023, TP giao cơ quan chức năng tổ chức đăng tải kế hoạch và tổ chức đấu thầu, công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu và số hoá 3D đối với 222 biệt thự thuộc nhóm 1 và phần mềm quản lý nhà biệt thự. Các công việc liên quan phải được tổ chức thực hiện xong trước 30/6/2025. |
Hà Nội quyết định tạm dừng bán 600 biệt thự cũ | |
Hà Nội ban hành danh mục hơn 1.200 biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 | |
Để di sản trở thành nguồn lực phát triển |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại