Tái diễn hình thức lừa đảo tặng quà tri ân qua điện thoại: Thông tin khách hàng "lộ" từ đâu?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị Nguyễn Ngọc Bích (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng) cho biết, trong thời gian vừa qua, chị có nhận được cuộc gọi của một cô gái từ số máy 078 231 2269. Cô gái này tự xưng mình là nhân viên của một cửa hàng đồng hồ ở thị trấn Trúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội), theo dữ liệu của cô nhận được, thì chị Bích là một khách hàng tiềm năng của cửa hàng.
Vì là khách hàng tiềm năng nên chị Bích sẽ được tặng một món quà tri ân, đó là chiếc đồng hồ Nhật chính hãng, chống nước, chống xước và một ví da. Cũng theo cô này, giá trị của chiếc đồng hồ và ví da có giá gần 2.000.000 đồng, nhưng bởi chị Bích là khách hàng trong diện ưu đãi nên chỉ phải trả 198.000 đồng. “Trong điện thoại, cô gái này khẳng định, khi bưu tá đến giao hàng, chị được phép kiểm tra sản phẩm. Nếu đồng ý nhận thì trả bưu tá 198.000 đồng, còn nếu không thì chỉ cần trả 20.000 đồng phí vận chuyển” – chị Bích nói.
Do được cảnh báo nhiều về việc này, nên chị Bích gặng hỏi cô gái kia về địa chỉ cửa hàng cũng như số điện thoại liên hệ. Sau vài giây ấp úng, cô gái đã ngắt điện thoại ngay và không chờ chị Bích trả lời có nhận quà hay không.
Gọi điện cho người dùng để gửi quà đã có dấu hiệu lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để lừa đảo. Ảnh minh họa |
Không may mắn như chị Bích, chị L.H.P (Ba Đình, Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi từ một số thuê bao lạ. Người này tự xưng là nhân viên của một cửa hàng mỹ phẩm ở Hà Nội. Nữ nhân viên này thông báo chị đã là người may mắn được nhận món quà tri ân là một lọ nước hoa Chanel có giá 1.800.000 đồng. Là khách hàng may mắn, chị chỉ phải trả 200.000 đồng cộng phí vận chuyển. Tuy nhiên, khi nhận và mở gói quà thì chị P. phát hiện đó chỉ là lọ nước hoa Chanel giả có giá vài chục nghìn.
Câu chuyện ở trên không phải xa lạ, thậm chí nó diễn ra thường xuyên và liên tục. Để ngăn chặn việc đó không phải một sớm, một chiều. Tuy nhiên, điều mà phần đông người dùng bức xúc, đó là chuyện lộ thông tin ra là từ đâu. Như chị Bích cho biết, đối tượng không hiểu sao lại nắm rõ thông tin của chị đến thế, nhất là rõ cả việc chị mới mua hàng ở đâu và mua món gì.
Về vấn đề liệu có chuyện rò rỉ thông tin từ đơn vị mà người dùng mua trước đó hay không thì theo một chủ cửa hàng, việc này rất khó xác định bởi vì trong thời đại hiện nay, khách hàng mua qua facebook rất nhiều, nên việc lọt thông tin có thể qua đơn vị quản lý fanpage, phần mềm hỗ trợ quản lý giao hàng, thậm chí có thể lộ từ đơn vị vận chuyển…
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các chương trình khuyến mại đều phải được sự chấp thuận và giám sát của cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, Ðiều 100 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định về “các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại”, trong đó có hành vi “khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích công cộng khác”.
Như vậy, việc gọi điện cho người dùng để gửi quà đã có dấu hiệu lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để lừa đảo, thì việc tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng cũng là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại. Để ngăn chặn tình trạng này, người dân cần nâng cao cảnh giác, kịp thời báo cho các cơ quan chức năng nhằm kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại